PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.1.3.2. TRIẾT LÍ VỀ NHÂN SINH
Thời kì đổi mới với sự thay đổi quan niệm về hiện thực và con người trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, các cây bút nữ này đã bộc lộ những cách nhìn mới về hiện thực.
Khi triết lí, các nhà văn nữ một mặt thường hướng về những điều nhân bản mang ý nghĩa phổ quát, mặt khác còn đề cập đến cả những phần khuất tối trong con người. Nguyễn Thị Thu Huệ đề cập đến cả những nhu cầu tinh thần của con người khi chị triết lí rằng: “Ăn cũng là một hạnh phúc. Ngủ cũng là một hạnh phúc. Yêu cũng là một hạnh phúc’ (Người đàn bà ám khói). Cùng với sự phát triển của đời sống thì những nhu cầu của con người cũng ngày càng trở nên phong phú hơn song chính sự quá lệ thuộc vào nó là nguyên nhân của không ít bi kịch. Sau những mất mát và đỗ vỡ khi đã đi gần hết cuộc đời,
một nhân vật trong Nước mắt đàn ông của Thu Huệ đã cay đắng nhận ra rằng: “Tại cậu nhiều ham muốn. Muốn nhiều tiền. Muốn làm văn chương, muốn có một người yêu thực sự”.
Trong khi triết lý, các cây bút nữ này thường bộc lộ xu hướng chiêm nghiệm con người từ góc nhìn thế sự, đời tư. Lý Lan trong Nhân vật tiểu
thuyết cho rằng: “Làm người thì ai cũng trải qua một lần tan nát cái gì đó trong
cuộc đời: một giấc mơ, một ảo tưởng, một tình yêu”. Không có niềm vui nào là tuyệt đối và “ở đời chẳng có phân giới nào rõ ràng cho hạnh phúc hay bất hạnh, sung sướng và đau khổ” (Sau chớp là giông bão - Y Ban). Bằng kinh nghiệm thường trải của một phụ nữ, Thu Huệ đã để cho nhân vật của mình triết lí về cuộc sống : “Không ai có hai lần sống, hai cuộc đời để rút kinh nghiệm” (Hình bóng cuộc đời). Hay như “ Không ai chịu sống bằng kinh nghiệm của người khác. Mà nếu sống bằng kinh nghiệm của chính mình, rút ra đựợc những điều phải làm có khi phải ân hận suốt cuộc đời mà cuộc đời lại ngắn ngủi” (Ám ảnh - Thu Huệ). Quan tâm đến con người tự nhiên, bản năng, Lý Lan đi đến nhận định: “một con người với vẻ ngoài cương nghị, nguyên tắc lạnh lùng nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim biết rung động khao khát tình yêu: một con người không thể sống mà không có trái tim: vui buồn, ghét, giận, thương, nhớ” (Trái tim dịu dàng - Lý Lan). Với quan niệm về con người cá nhân đa chiều hôm nay, nhân vật đôi khi đã được tước đi lớp vỏ chắn bên ngoài để lộ ra vẻ trần trụi bản năng của nó “ai cũng có phần cao siêu và nhỏ mọn” (Người tình - Nguyễn Thị Thu Huệ), “suy cho cùng, tuy là sếp, song bên trong ông vẫn là một con người với đầy đủ mọi thứ ham muốn” (Dĩ vãng - Nguyễn Thị Thu Huệ).
Từ những triết lí về con người nếm trải, các cây bút đã gián tiếp bày tỏ quan điểm về cuộc sống: cuộc sống luôn luôn biến đổi không ngừng, trong mỗi một cuộc đời con người có thể trải qua nhiều trạng thái “hợp rồi tan, hy vọng và vỡ mộng, yêu rồi xa lạ, hạnh phúc và khổ đau” (Phượng - Lý Lan). Cuộc sống không đơn giản là đựơc ăn no mặc ấm như quan niệm thường thấy
ở những thời điểm kinh tế còn khó khăn mà càng ngày, con người càng có nhiều thứ để quan tâm, “thời hiện đại cho người ta nhiều sự chọn lựa” (Rượu cúc) và “Đời người hình như ai cũng có một cái thú riêng. Thú kiếm tiền. Thú tiêu tiền. Thú ăn ngon. Thú mặc đẹp” (Giai nhân - Nguyễn Thị Thu Huệ). Thừa nhận nỗi buồn và sự cô đơn như một phần tất yếu của cuộc sống nhưng Lý Lan lại cho rằng: “cuộc đời đôi khi có đắng một chút mới hay” (Nhân vật
tiểu thuyết - Lý Lan) và “người ta không thể sống như nhân vật tiểu thuyết”
(Nhân vật tiểu thuyết - Lý Lan).
Triết lí về bản tính lưỡng diện của con người, các cây bút nữ đã bộc lộ sự tinh tế trong việc tiếp cận với con người cá thể. Nhân vật trong truyện ngắn
Người có học của Phan Thị Vàng Anh tự nhận thấy bản chất bên trong con
người mình: “Tôi thấy, mình hình như là hai nửa con người, nửa hướng thiện và nửa hướng ác”. Mỗi người là một thực thể không đồng nhất, một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn: “con người, ngày càng đông như kiến nhưng chẳng ai giống ai. Mỗi người buồn một kiểu và vui một lối” (Dĩ vãng - Nguyễn Thị Thu Huệ). Với cái nhìn đầy cảnh giác, nhiều nhân vật nữ trong truyện ngắn Thu Huệ thường tỏ rõ thái độ phê phán quyết liệt thế giới đàn ông nhưng theo họ “đàn ông phải có hai bộ mặt: vừa tử tế, vừa đểu giả, thế mới quyến rũ” (Hậu thiên đường). Nhìn cuộc sống từ vẻ trần trụi và thô nhám của nó, các cây bút nữ đã phát hiện ra rằng “Gia đình tôi giống như một thế giới con con huyền bí và pha tạp: xấu, tốt, cao thượng và thấp hèn” (Hoàng hôn màu cỏ úa - Thu Huệ). Y Ban lại chiêm nghiệm “Cuộc sống gia đình như một con thuyền trên đại dương” (Và
anh...1/3 của cuộc đời em).
Khi nỗi cô đơn trở thành một trạng thái tâm lí thường gặp của người phụ nữ trong xã hội hiện đại thì với sự mẫn cảm bản năng, nỗi cô đơn đó thường được trở đi trở lại trong sáng tác của bốn cây bút nữ. Nếu như nhân vật của Phan Thị Vàng Anh luôn khao khát được hòa nhập, được tham dự vì trong quan niệm của họ “một cuộc sống lặng lờ cũng như một vở kịch không cao trào” (Nhật kí) thì trong truyện ngắn Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị
Thu Huệ, một nhân vật nữ cũng đã không khỏi xót xa cho thực trạng đang phải trải qua của chính mình: “Đời người phần lớn là buồn. Ngày nọ rồi tới ngày kia. Mỗi ngày được thêu dệt bởi những nỗi buồn con con nhiều khi vô cớ”.
Từ cảm hứng chiêm nghiệm, triết lí, con người trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh và Lý Lan được soi rọi từ nhiều bình diện và tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng tình cảm, cả những khát vọng cao cả và dục vọng thấp hèn; con người với sự trải nghiệm nỗi đau, những nhu cầu cá nhân; con người bản năng tự nhiên và con người xã hội. Con người ở đây chỉ là những con người bình thường, ở trong trạng thái lưỡng diện không hẳn tốt, không hẳn xấu; con người nếm trải, không được lí tưởng hóa. Với cái nhìn mở về cuộc đời và con người, không dừng lại ở miêu tả và tái hiện hiện thực, các cây bút nữ đã có những đúc kết sâu sắc mang ý nghĩa nhân sinh. Bằng những trải nghiệm và sự thấu hiểu đời sống tâm hồn con người, các cây bút nữ đã tận dụng được lợi thế của môi trường sáng tác để bày tỏ quan điểm, bộc lộ nhân sinh quan và thế giới quan, bộc lộ thái độ của người cầm bút trước hiện thực. Đằng sau những triết lí về cuộc sống mà phần lớn đó là những chiêm nghiệm về cuộc đời là nỗi trăn trở, băn khoăn, là nỗi niềm thương cảm của người viết.
Tuy đã có cách nhìn con người trong tính đa dạng và phức tạp của nó nhưng đó đây, người đọc vẫn bắt gặp những lời lẽ triết lí có tính chất cực đoan. Chẳng hạn như “Đời người là cả một cái dòng khổ ải. Tất cả, tất cả đều quay cuồng từ lúc sinh ra đến lúc chết đi để kiếm miếng ăn như thể họ bị đói từ kiếp trước”; hoặc như “ Mà chết bây giờ, kiếp sau không được lên làm chó Nhật đâu mà sẽ lên làm người, làm người đấy” (Mi nu xinh đẹp - Nguyễn Thị Thu Huệ) thì quả là đã sa vào một thứ triết lí yếm thế và bi quan.