Với mục tiêu từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, mở đường cho tự do hóa thương mại quốc tế, WTO thực hiện chức năng là diễn đàn để các quốc gia trao đổi, đàm phán xóa bỏ những rào cản nói trên. Nguyên tắc của WTO là không làm xấu đi tình hình, không áp dụng hồi tố, tăng rào cản thương mại bằng cách không thực hiện những thỏa thuận mà các thành viên đã cam kết. Những trường hợp này, thành viên vi phạm có thể bị kiện ra trước cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO và phải bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại đối với doanh nghiệp của các bên có liên quan.
Để tạo môi trường pháp lý an toàn, ổn định cho hoạt động thương mại, WTO yêu cầu các thành viên phải công bố công khai các văn bản pháp luật có tính áp dụng chung (chứa đựng các quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc) trước thời điểm có hiệu lực, đặc biệt là không áp dụng hồi tố đối với những quy định có tính tăng trách nhiệm pháp lý hay tăng rào cản thương mại.
Tuy nhiên, hầu hết các quy định trong các Hiệp định đều không nêu rõ thời hạn công bố công khai trước thời điểm văn bản có hiệu lực là bao nhiêu. Các quy định này thường được sử dụng có tính định tính: công bố khẩn trương, công bố nhanh chóng, không chậm trễ hoặc công bố chậm nhất,… Đây là quy định có tính nguyên tắc, là trần thấp nhất mà tất cả các thành viên phải thực hiện.
Theo nguyên tắc WTO plus, các quốc gia gia nhập phải thực hiện cam kết của mình khi xin gia nhập về việc đăng tải công khai các văn bản pháp luật. Như trường hợp của nước ta thì thời hạn đăng tải văn bản phải được thực hiện ở mức thấp nhất theo đúng thời hạn đã cam kết. Về vấn đề này, khi đàm phán gia nhập, năm 2001, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam đã cam kết với Hoa Kỳ một số nội dung về minh bạch (như công bố định kỳ các văn bản pháp luật áp dụng chung thông qua việc xuất bản ấn phẩm chính thức thường xuyên để đăng tải các văn bản này, có sẵn cho công chúng). Cam kết này đương nhiên sẽ trở thành mốc thấp nhất mà Việt Nam phải thực hiện.
Nguyên tắc phải công bố công khai các văn bản pháp luật liên quan hoặc có tác động đến thương mại trước thời điểm chúng có hiệu lực thi hành được loại trừ đối với những trường hợp thuộc tình trạng khẩn cấp. Nhưng thông thường, trong các trường hợp này, quốc gia ban hành phải thông báo cho các thành viên khác biết một cách nhanh nhất để có những biện pháp thực hiện kịp thời.