QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN GIA NHẬP WTO 1 Quan điểm gia nhập

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 43)

2.1.1. Quan điểm gia nhập

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, đường lối đối ngoại của nước ta cũng được đổi mới theo hướng rộng mở “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi” [19]. Đây là một trong những định hướng quan trọng trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong quan hệ thương mại quốc tế nói riêng. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia truyền thống, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối với các nước khác trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế [27].

Song song với quá trình đổi mới đường lối đối ngoại, quan hệ thương mại của nước ta cũng đã được phát triển mạnh mẽ, mở rộng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Trong giai đoạn hiện nay, Đổi mới - Hội nhập - Phát triển và Tăng trưởng được xác định là liên kết không thể tách rời, là xu thế tất yếu không thể thay đổi. Vì vậy, quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng được xác định là phải chủ động, tích cực để Việt Nam trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu. Trong tinh thần đó,

quá trình gia nhập WTO của nước ta cũng được chuẩn bị một cách chủ động, tích cực, theo đúng những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo chung.

Nhận thức được cơ hội và thách thức của việc gia nhập WTO cũng như thuận lợi và khó khăn của quá trình đàm phán, ngay từ những ngày đầu bước vào đàm phán thực chất, Chính phủ đã chỉ đạo Đoàn đàm phán quán triệt những phương châm sau đây:

- Thực hiện nhất quán chủ trương "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa".

- Chấp thuận các quy định chung đối với các thành viên WTO song cần tranh thủ những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển có trình độ thấp và đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường ở mức tối đa về mức độ cam kết cũng như thời hạn thực hiện. Đồng thời, cố gắng tận dụng vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế có được nhờ thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

- Tranh thủ thời gian sớm gia nhập WTO nhưng có bước đi vững chắc, gắn kết quá trình đàm phán với sự chuẩn bị ở trong nước về luật pháp, cơ chế chính sách và nhất là sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và nâng cao khả năng cạnh tranh. Cố gắng duy trì mức độ bảo hộ thích hợp, với thời hạn hợp lý đối với một số ngành hàng hết sức cần thiết, có ý nghĩa chiến lược và nhạy cảm về mặt xã hội.

- Thực hiện nhất quán chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa; kết hợp hài hòa các nghĩa vụ và quyền lợi trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Những nguyên tắc này là cơ sở để hình thành phương pháp đàm phán vững chắc. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam thực hiện phương châm kiên trì, kiên quyết, thực tế và linh hoạt. Nhờ vậy, trong thời gian chưa tới 3 năm, kể từ khi bước vào đàm phán thực chất, Việt Nam đã kết thúc được toàn diện đàm phán với kết quả, theo đánh giá của Chính phủ, là tương đối phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 43)