cho thấy sự cần thiết phải đăng tải công khai các bản án khi mà hiện nay, chất lượng xét xử còn chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng tiêu cực còn xảy ra ở những mức độ khác nhau trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, nhằm góp phần từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên.
3.1.3. Thực hiện nghĩa vụ thông báo và thiết lập các điểm hỏi đáp chính sách pháp luật chính sách pháp luật
Khi chưa trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc giải đáp chính sách pháp luật liên quan đến thương mại. Ngày 26 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 144/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động mạng lưới thông báo và hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Theo đó, các Cơ quan Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật (Cơ quan TBT) có những nhiệm vụ sau:
- Thông báo những văn bản pháp quy kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp ở dạng dự thảo hoặc đã có hiệu lực có khả năng tạo ra những hàng rào kỹ thuật;
- Xử lý và có ý kiến về các thông báo nhận được của các nước thành viên nhằm đảm bảo các biện pháp kỹ thuật mà các nước đang áp dụng hoặc sẽ áp dụng không hạn chế thương mại của Việt Nam với các nước đó;
- Thông báo dự thảo các văn bản pháp quy kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nói trên phải được gửi trong thời gian ít nhất 60 ngày trước khi ban hành.
Thông báo được thực hiện theo mẫu biểu thống nhất do Ủy ban hàng rào kỹ thuật (TBT) của WTO quy định bằng một trong 3 ngôn ngữ Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
- Tiếp nhận và chuyển tải các câu hỏi hoặc câu trả lời của các nước cũng như các câu trả lời hoặc câu hỏi của Việt Nam đến các địa chỉ cần thiết, đáp ứng nhu cầu thông tin và minh bạch của các nước thành viên WTO và Việt Nam về hàng rào kỹ thuật.
Mạng lưới TBT Việt Nam gồm có:
- Cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (gọi tắt là Văn phòng TBT Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp tại các Bộ: Thương mại, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Bưu chính, Viễn thông, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Văn hóa - Thông tin.
- Cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Văn phòng TBT Việt Nam là đầu mối quốc gia thực hiện việc thông báo và hỏi đáp về những văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp và các vấn đề khác liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam theo hướng dẫn của WTO, bao gồm: Thông báo cho các nước thành viên WTO thông qua Ban Thư ký WTO); tiếp nhận và trực tiếp trả lời các câu hỏi, các đề nghị cung cấp tài liệu từ các các nước thành viên WTO (trực tiếp hoặc qua Ban Thư ký WTO) về các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp đã, đang và sẽ áp dụng tại Việt Nam; tiếp nhận và chuyển các thông báo, các câu hỏi và đề nghị cung cấp tài liệu của các nước thành viên WTO tới cơ quan Thông báo và
Điểm hỏi đáp về TBT của Bộ và địa phương; gửi các câu hỏi hoặc đề nghị cung cấp tài liệu của Việt Nam đến cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp về TBT của các nước thành viên WTO (trực tiếp hoặc qua Ban Thư ký WTO).
Trên thực tế, Việt Nam đã thiết lập mạng lưới thông báo và hỏi đáp TBT như đã được quy định tại Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, mạng lưới này đã thực hiện khá đầy đủ các quy định của WTO về nghĩa vụ thông báo và hỏi đáp về TBT. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập điểm hỏi đáp về kiểm dịch động, thực vật.
Mạng lưới TBT Việt Nam đã thiết lập được website có kết nối liên thông với nhau, có các cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả cho việc thông báo và hỏi đáp, như: cơ sở dữ liệu về thông báo của Việt Nam, cơ sở thông báo của nước ngoài, cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật,... Về cơ bản, việc thiết lập mạng lưới và xây dựng Trang thông tin điện tử của mạng lưới này đáp ứng hiệu quả công tác thông báo và hỏi đáp theo yêu cầu của WTO.
Hiện nay, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động liên quan tới hàng rào kỹ thuật, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đề án hàng rào kỹ thuật giai đoạn 2011- 2015”. Trong đề án này, có việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới thông báo và hỏi đáp TBT đáp ứng yêu cầu minh bạch của WTO. Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi cam kết về minh bạch chính sách pháp luật thương mại theo quy định của WTO.
Trong thời gian qua, khi gia nhập, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thông báo một lần đối với những vấn đề cam kết như: các hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam liên quan đến thương mại. Đồng thời, việc thông báo các nội dung theo các hiệp định của WTO đã được quan tâm, thực hiện.
3.1.4. Rà soát chính sách pháp luật thương mại
Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngày 27 tháng 02 năm 2007, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nói trên.
Trong Nghị quyết này, đối với công tác rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã xác định “Thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết gia nhập và các nghĩa vụ khác của Việt Nam trong WTO; xác định các nội dung cam kết có thể thực hiện trực tiếp và các nội dung cần phải nội luật hóa để xây dựng chương trình sửa đổi các luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật liên quan”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương “Tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với cam kết; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho mọi chủ thể tham gia thị trường”, trong đó tập trung rà soát một số nội dung:
- Các nội dung cam kết sẽ được thực hiện ngay và áp dụng trực tiếp. - Các nội dung cam kết thực hiện theo lộ trình đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung.
- Rà soát để loại bỏ sự chồng chéo, những quy định không phù hợp với cam kết, không bảo đảm tự do kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cho các chủ thể tham gia thị trường.
- Rà soát các biện pháp hỗ trợ đầu tư và phát triển sản phẩm thay cho các biện pháp trợ cấp xuất khẩu.
- Rà soát tổng thể các yếu tố đang cản trở sự hình thành đồng bộ các yếu tố của cơ chế thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước
còn độc quyền hoặc chi phối thị trường; các lĩnh vực, các đối tượng đang có sự hỗ trợ mang tính phân biệt đối xử.
Thực hiện Nghị quyết nói trên, các cơ quan nhà nước đã tổ chức triển khai thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO); giai đoạn 2 (sau khi đã có kết quả giai đoạn 1).
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đợt rà soát này được thực hiện ở Trung ương và 27 tỉnh, thành phố.
Ở Trung ương, có 438 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện các cam kết của WTO được rà soát.
- Về thương mại hàng hoá:
Những văn bản này được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong những năm 2005 - 2006 khi Việt Nam đã đi vào giai đoạn kết thúc quá trình đàm phán gia nhập nên hầu hết các quy định này đều phù hợp, chỉ còn lại một số ít quy định chưa phù hợp, cần tiếp tục được hoàn thiện.
Về kiểm dịch động, thực vật, Việt Nam đã có các quy định về vấn đề này như: Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh về kiểm dịch động, thực vật, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, nhưng các quy định này chưa thực sự cụ thể hóa, cần tiếp tục phải được hướng dẫn, quy định chi tiết hơn.
Về áp dụng các biện pháp tự vệ trong thương mại, cần phải sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan về chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ theo hướng quy định chi tiết, xây dựng các biểu mẫu câu hỏi điều tra và các bản hướng dẫn về thủ tục hành chính.
- Về thương mại dịch vụ:
Theo báo cáo, đây là lĩnh vực khá phức tạp, có nhiều vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia, văn hóa dân tộc,... Các quy định phải rà soát nằm trong nhiều văn bản. Quá trình rà soát, đánh giá cho thấy, về cơ bản, các quy định về thương mại dịch vụ của nước ta phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định trong các lĩnh vực cụ thể cần phải
tiếp tục được hoàn chỉnh cho thống nhất, đặc biệt là loại bỏ những quy định khác nhau áp dụng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, về quy trình cấp phép, về yêu cầu chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp; một số vấn đề đã cam kết nhưng chưa có quy định hoặc còn quy định chung chung,... Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản với số lượng lớn, mặc dù chênh lệch giữa các quy định trong nước với cam kết là không lớn.
- Về sở hữu trí tuệ:
Đối với lĩnh vực này, trong quá trình thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng khá đầy đủ các quy định về sở hữu trí tuệ nhất là việc ban hành Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ. Tuyệt đại đa số các quy định đã phù hợp với các quy định chung của WTO. Tuy nhiên, một số ít quy định cần tiếp tục được hoàn thiện như: chế tài hình sự đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,...
Ở địa phương, việc rà soát được tiến hành ở 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số văn bản rà soát là 209. Trong đó đã kiến nghị ban hành mới 8 văn bản, sửa đổi, bổ sung 18 văn bản, hủy bỏ 16 văn bản. Kết quả rà soát, đánh giá trong các lĩnh vực cụ thể như sau:
- Về thương mại hàng hóa:
Đây là lĩnh vực có nhiều văn bản nhất, chủ yếu tập trung vào việc thực thi các văn bản của cấp Trung ương. Về cơ bản, những văn bản này phù hợp với các quy định của WTO và các văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Tuy nhiên, một số quy định về hỗ trợ chưa phù hợp, cần được điều chỉnh.
- Về thương mại dịch vụ:
Các văn bản này đều là những văn bản quy định chi tiết thi hành các văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Về cơ bản là khá phù hợp.
Đây là lĩnh vực có khá ít văn bản của chính quyền địa phương. Qua rà soát, kết quả đánh giá được cho là khá phù hợp với quy định chung của WTO và các văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương.
Kết quả rà soát chính sách pháp luật như đã được nêu trong Báo cáo trên đây của Bộ Tư pháp cho thấy, ý thức và hành động của Việt Nam về việc thực hiện các nghĩa vụ của WTO là rất rõ ràng, được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ngay từ khi Việt Nam mới đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để trở thành thành viên chính thức của WTO. Đợt rà soát nói trên đã bước đầu đưa ra đánh giá về môi trường pháp lý kinh doanh ở nước ta trên cơ sở đối chiếu với khuôn khổ pháp lý của WTO. Tuy nhiên, đợt rà soát này chưa có sự tham gia đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương nên chưa có một bức tranh toàn cảnh; chưa có những đánh giá sâu về việc thực hiện lộ trình cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, phi thuế quan, mở cửa thị trường đối với từng lĩnh vực cụ thể. Đây là những vấn đề cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới và cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Rà soát chính sách pháp luật thương mại không nên chỉ được xem là nghĩa vụ trong việc thực thi các cam kết gia nhập WTO mà cần được xem là nhu cầu tự thân của quá trình đổi mới - phát triển. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm kiên định thực hiện chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Do vậy, rà soát chính sách thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các quy định của WTO, đảm bảo môi trường pháp lý tự do hóa thương mại.
Bên cạnh việc thực hiện các đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoặc tác động đến thương mại, theo quy định của pháp luật Việt Nam, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nói chung, về thương mại nói riêng, là trách nhiệm có tính thường xuyên, lâu dài của các cơ quan trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước. Và, trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện công tác pháp
điển hệ thống pháp luật đảm bảo để hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, thì công tác này sẽ tiếp tục cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ thực hiện nghĩa vụ rà soát chính sách pháp luật thương mại trước WTO vào năm 2013. Đây là đợt tổng rà soát có ý nghĩa quan trọng, có sự đánh giá từ phía WTO và các đối tác về chính sách pháp luật thương mại của Việt Nam sau 6 năm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức này. Để chuẩn bị hoàn thiện báo cáo, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm làm rõ hơn các quy định về chính sách của Việt Nam trước các đối tác thương mại.