Đăng tải văn bản pháp luật trên Trang thông tin điện tử

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 81 - 83)

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin pháp luật, kể từ những năm 2000, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên các website của các cơ quan nhà nước. Nội dung này đã được pháp lý hóa bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 và tiếp tục được duy trì trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Theo quy định của Điều 84 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, chậm nhất trong thời gian 2 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành phải được đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, do thời điểm ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 chưa có đủ điều kiện thực tế để quy định nên trong luật này chưa có quy định bắt buộc việc đăng các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu nói trên nên theo Nghị định số 43/2011/NĐ- CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì các cơ quan nhà nước phải thiết lập, xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan mình và phải

đăng tải các thông tin theo quy định, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành do mình ban hành. Tuy nhiên, những quy định này cũng mới chỉ bắt buộc đối với cấp huyện trở lên. Cấp xã chưa bắt buộc phải thực hiện.

Như vậy, những quy định trên là cơ sở pháp lý bắt buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đăng một cách nhanh chóng các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trên website của cơ quan. Các website lưu trữ có hệ thống các văn bản này và có công cụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm, tra cứu. Nói cách khác, cho đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Internet.

Thực tế, thời gian qua, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ở Trung ương và địa phương đã thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật về việc đăng tải công khai các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Đặc biệt, đối với những website mà Việt Nam đã cam kết sẽ đăng tải những văn bản liên quan hoặc có tác động đến thương mại (theo từng nội dung khác nhau) của các Bộ đã thực hiện đầy đủ những quy định này, bao gồm tất cả các văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng có liên quan về lĩnh vực quản lý.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thiết lập Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và đã đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện ban hành. Việc đăng tải các văn bản trên internet khá nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu tra cứu, tìm hiểu của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Đối với cấp xã, do việc ứng dụng công nghệ thông tin của cấp chính quyền này chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra nên việc đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên internet còn phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Những website nêu trên là địa chỉ chính thức của các cơ quan nhà nước, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thực thi pháp luật. Tại đây, các văn bản quy phạm pháp luật được lưu trữ và có công cụ hỗ trợ tìm kiếm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu nhanh chóng theo những tiêu chí khác nhau.

Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đang tiến hành triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở kết nối, tích hợp một cách thống nhất, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến cấp xã ban hành. Nếu được hoàn thành thì đây sẽ là địa chỉ đáng tin cậy cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật đáp ứng tích cực nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)