Hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 110 - 117)

Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền (đổi mới công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp), trong đó

tập trung vào việc đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, cả Trung ương và địa phương theo hướng hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Cải tiến hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để công tác này nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; khắc phục sự chồng chéo, không khả thi hoặc bỏ trống điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp đến năm 2020 theo hướng xây dựng hệ thống hành chính thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; các cơ quan hành chính nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, có bộ máy tinh gọn, hợp lý; có đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu; các thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, tiết giảm tối đa chi phí, công sức, thời gian cho người dân và doanh nghiệp; từng bước công khai, minh bạch các hoạt động hành chính nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh với những biện pháp kiên quyết trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước. Xây dựng hệ thống cơ quan Tòa án hoạt động độc lập, hiệu quả hơn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, được tổ chức theo cấp xét xử, có đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế, đảm bảo để những phán quyết trong việc giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp với các quy định của pháp luật; nghiên cứu, thành lập Tòa án Hiến pháp thực hiện chức năng bảo vệ và giải thích hiến pháp; phán quyết đối với những văn bản Luật, dưới Luật trái với Hiến pháp, đảm bảo trật tự Hiến pháp, bảo vệ quyền, lợi ích của công dân, Nhà nước.

KẾT LUẬN

1. Minh bạch quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật liên quan hoặc tác động đến thương mại là một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO nhằm đảm bảo môi trường tự do kinh doanh, thúc đẩy giao lưu thương mại quốc tế. Đây là nghĩa vụ phải thực hiện của tất cả các thành viên sáng lập hay gia nhập WTO. Vi phạm những quy định này là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của WTO. Trên thực tế đã có một số vụ kiện lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO về vấn đề này. Vì vậy, nghiên cứu để thực thi đẩy đủ các quy định của WTO về minh bạch có ý nghĩa thực tế, hạn chế những tranh chấp liên quan đến vấn đề này.

2. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này nên minh bạch được các quốc gia đề cập, thỏa thuận để trở thành quy định cụ thể có tính ràng buộc pháp lý, nhắc lại trong nhiều Hiệp định khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, trong cơ chế giải quyết tranh chấp và cơ chế rà soát chính sách thương mại. Các quy định của WTO về minh bạch bao gồm: minh bạch quá trình xây dựng chính sách và minh bạch quá trình thực thi chính sách (mở cửa thị trường), thể hiện ở những yêu cầu sau:

a) Đăng tải công khai các luật, văn bản dưới luật, các quyết định hành chính, bản án có tính áp dụng chung, các điều ước quốc tế có hiệu lực đối với thành viên có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại trước thời điểm chúng có hiệu lực thi hành;

b) Đăng tải công khai các dự thảo văn bản pháp luật có tính áp dụng chung liên quan hoặc tác động đến thương mại, tạo điều kiện để các bên, các doanh nghiệp hoặc công dân của các bên có thể tiếp cận, bình luận, đóng góp ý kiến;

c) Thực hiện nghĩa vụ thông báo về các văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc các biện

pháp có liên quan hoặc tác động đến thương mại cho các bên thông qua Ban Thư ký hoặc thông tin theo yêu cầu của các bên; thiết lập các mạng lưới hỏi đáp, thông tin, giải thích chính sách pháp luật thương mại;

d) Thực hiện nghĩa vụ rà soát định kỳ nhằm đánh giá chính sách thương mại của mỗi thành viên, đảm bảo môi trường pháp lý thông thoáng, phù hợp với luật lệ của WTO, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp của các bên;

e) Thực hiện nghĩa vụ minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật (nghĩa vụ này rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động cần thiết của nhà nước nhằm đảm bảo để mở cửa thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh như đã cam kết, không được bóp méo thị trường qua quá trình thực thi, như: phải đảm bảo hệ thống quản lý hành chính nhà nước minh bạch, hệ thống tòa án công bằng, không tạo ra các hàng rào thuế quan, phi thuế quan không phù hợp với các quy định chung của WTO nhằm tạo ra các rào cản thương mại,...).

3. Đối với Việt Nam, khi gia nhập, như bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam có nghĩa vụ thực thi đầy đủ các quy định của WTO về minh bạch. Trong quá trình đàm phán gia nhập, vấn đề minh bạch được đề cập khá nhiều và là vấn đề nhiều quốc gia quan tâm, thậm chí bày tỏ sự quan ngại.

Tuy nhiên, minh bạch quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật nói chung, pháp luật thưong mại nói riêng, là xu thế tất yếu, khách quan, phù hợp với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Vì vậy, trong quá trình đàm phán Việt Nam đã nỗ lực giải đáp, thuyết phục và chứng minh bằng kết quả thực tế. Ngoài cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO về minh bạch, Việt Nam còn cam kết một số nội dung cụ thể đi xa hơn so với nghĩa vụ của các nước. Những nỗ lực của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực nói chung, trong vấn đề minh bạch nói riêng, về cơ bản, đã làm hài lòng các thành viên và Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức này.

4. Về cơ bản, sau 5 năm trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã thực hiện khá đầy đủ các cam kết về minh bạch quá trình xây dựng

pháp luật như: thông báo, lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương có liên quan hoặc tác động đến thương mại; đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo và trên Internet; thiết lập mạng lưới thông tin, giải đáp chính sách pháp luật thương mại; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại phù hợp với các quy định của WTO, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó, từng bước thực hiện tách hoạt động quản trị doanh nghiệp nhà nước với hoạt động quản lý hành chính,...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém trong quá trình minh bạch quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật thương mại, như: việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động công khai văn bản của chính quyền cấp huyện, xã còn chưa phù hợp; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thiếu tính đồng bộ, khả thi; thủ tục hành chính còn chưa thật sự được tinh giản; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp còn thiếu rõ ràng, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, làm nản lòng người dân và doanh nghiệp; hệ thống doanh nghiệp nhà nước chưa được đổi mới, sắp xếp kịp thời, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, chưa phân định rạch ròi chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp với chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước. Có thể nói, trong hai khâu: xây dựng và thực thi pháp luật, minh bạch trong khâu thứ hai còn là khâu yếu, rất cần phải được quan tâm, nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

5. Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến tổ chức triển khai trên

thực tế đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó, bên cạnh việc tập trung sửa đổi, bổ sung, trên cơ sở hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và địa phương theo hướng thống nhất một số nội dung liên quan đến minh bạch quá trình xây dựng pháp luật, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa minh bạch trong thực thi pháp luật - một trong khâu yếu hiện nay, như: thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp trong nước, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; chuyển chức năng đại diện phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý hành chính sang một đầu mối thống nhất (hiện nay cơ quan này là Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn) để các cơ quan hành chính nhà nước tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định, đáp ứng yêu cầu quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.

6. Tại Diễn đàn Shangri-La 12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng. Khi đề cập đến giải pháp đảm bảo an ninh, ổn định, hòa bình, hợp tác trong khu vực và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “Lòng tin là khởi nguồn của mọi mối quan hệ hữu nghị, duy trì hòa bình, ổn định”. Để xây dựng lòng tin chiến lược, “cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia”. Và, “Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp thường xuyên bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với luật pháp quốc tế và với thái độ chân thành”.

Từ góc độ này, cho thấy, việc thực hiện luật pháp quốc tế nói chung, các quy định của WTO về minh bạch nói riêng, cũng chính là quá trình xây dựng lòng tin chiến lược, tạo hình ảnh đẹp của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Quá trình thực hiện các quy định về minh bạch đỏi hỏi sự vào cuộc tích cực của tất cả hệ thống các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong tất cả các khâu, từ xây dựng đến thực thi chính sách pháp luật, không chỉ trong thời gian trước mắt mà cần phải thực hiện lâu dài, với thái độ chân thành, cởi mở,

hội nhập. Cần có những đột phá mới trong minh bạch thực thi chính sách pháp luật.

Việc xây dựng lòng tin, thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia, duy trì ổn định và phát triển có ý nghĩa quan trọng trong bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là hiện nay trong khu vực “Đâu đó đã có biểu hiện về sự đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, trái luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chỉ ra tại Diễn đàn nói trên.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 110 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)