Về phạm vi công kha

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 26)

Theo các quy định nói trên, phạm vi công khai được quy định trong các Hiệp định khác nhau. Theo đó, mỗi Hiệp định điều chỉnh hoạt động công khai các luật, quy tắc, quyết định có tính áp dụng chung liên quan đến việc thực hiện Hiệp định đó. Cụ thể:

- Về thương mại hàng hóa: bao gồm các luật, quy tắc, quyết định pháp luật và quy tắc hành chính có hiệu lực chung liên quan tới:

+ Phân loại hay định trị giá sản phẩm nhằm mục đích xác định thuế, phí; + Các yêu cầu, hạn chế hay cấm xuất, nhập khẩu và thanh toán tiền hàng xuất, nhập khẩu;

+ Việc bán, phân phối, vận tải, bảo hiểm, lưu kho, giám định, trưng bày, chế biến, pha trộn hay sử dụng hàng hóa theo cách nào khác.

+ Về hàng rào kỹ thuật, bao gồm: các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được các nước thành viên thông qua. Tất cả các sản phẩm, gồm cả công nghiệp và nông nghiệp đều thuộc sự điều chỉnh, trừ những đối tượng mua sắm Chính phủ. Không áp dụng đối với những hoạt động kiểm dịch động, thực vật.

+ Về quy tắc xuất xứ: Quy tắc xuất xứ là những luật, quy định, quyết định hành chính chung để xác định nước xuất xứ của hàng hóa. Các quy định này phải hướng tới việc hài hoà hoá theo nguyên tắc: một nước được xác định là nước xuất xứ của một hàng hóa cụ thể nếu như hàng hóa được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cũng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó, thì nước xuất xứ hàng hóa là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng.

- Về thương mại dịch vụ: Đối tượng thuộc diện công bố là mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến thương mại dịch vụ theo Hiệp định GATS. Trong đó, "Dịch vụ" theo Hiệp định này được hiểu bao gồm các dịch vụ trong tất cả các lĩnh vực, trừ các dịch vụ được cung cấp để thi hành thẩm quyền của chính phủ (là những dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại và không cạnh tranh với nhà cung cấp dịch vụ khác). Đồng thời, thương mại dịch vụ được xác định là việc cung cấp dịch vụ trong các trường hợp sau:

+ Từ lãnh thổ của một thành viên đến lãnh thổ của một thành viên khác; + Trên lãnh thổ của một thành viên cho người tiêu dùng dịch vụ của thành viên khác;

+ Bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của thành viên khác;

+ Bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của thành viên khác.

- Về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ: Các luật và các quy định, các quyết định xét xử và các quyết định hành chính cuối cùng để áp dụng chung liên quan đến đối tượng của Hiệp định, bao gồm:

+ Khả năng đạt được quyền sở hữu trí tuệ; + Phạm vi quyền sở hữu trí tuệ;

+ Việc đạt được quyền sở hữu trí tuệ;

Trong các nội dung này, quyền sở hữu trí tuệ gồm có: bản quyền và các quyền có liên quan; nhãn hiệu hàng hóa; chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp; parent; thiết kế bố trí mạch tích hợp; bảo hộ thông tin bí mật,…

Theo quy định, thì những văn bản phải công bố gồm:

- Những văn bản, quy định có tính áp dụng chung, trong đó, có cả các quyết định hành chính, các bản án chứa đựng các quy tắc xử sự chung. Ở đây, có điểm cần lưu ý là, nhiều quốc gia theo truyền thống coi án lệ là nguồn của luật. Do đó, những quyết định, bản án của Toà án hoặc những quyết định hành chính đều phải được công bố công khai.

- Các điều ước quốc tế mà nước là thành viên đã tham gia ký kết, có liên quan hoặc tác động đến hoạt động thương mại đang có hiệu lực. Việc quy định phải công bố công khai những văn bản này xuất phát từ một số lý do:

+ Các cam kết của các quốc gia thành viên có thể là một bộ phận trực tiếp hoặc gián tiếp của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ thương mại của quốc gia đó, cần thiết phải được công khai;

+ Các quốc gia thành viên phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc không phân biệt đối xử, bao gồm đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia. Nếu đã dành cho doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp của các quốc gia khác đối xử như thế nào thì cũng phải dành đối xử cho doanh nghiệp của các quốc gia khác như vậy. Điều đó, cho thấy, những cam kết, thoả thuận liên quan hoặc tác động đến thương mại của mỗi thành viên với quốc gia khác đều phải được công khai.

- Các quy định của WTO không bắt buộc việc công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 26)