Những tác động của quá trình đàm phán

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 45 - 47)

Những tác động đến quá trình đảm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam nêu rõ trong Tờ trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập tổ chức này, trong đó, Chính phủ đã nhấn mạnh: Phương thức “gia nhập bằng đàm phán” đặt nước xin gia nhập vào thế bất lợi, bởi vì:

- Đàm phán gia nhập là đàm phán một chiều. Mọi thành viên đều có quyền đòi hỏi trong khi nước xin gia nhập không có quyền đó, chỉ hoặc là chấp nhận, hoặc là kiên trì thuyết phục các thành viên giảm bớt yêu cầu. Kiểu đàm phán này dẫn đến hai hệ quả. Một là, quá trình đàm phán thường bị kéo dài. Hai là, nước xin gia nhập nhiều khi phải chấp nhận những yêu cầu vượt ra ngoài chuẩn mực của WTO, thường được gọi là yêu cầu (hoặc cam kết) WTO cộng. Tổng hòa các cam kết WTO cộng đã tạo ra một kiểu phân biệt đối xử ngay trong lòng WTO mà nhiều người gọi là “hệ thống tiêu chuẩn kép”.

- Đàm phán một chiều còn làm nảy sinh xu thế ép nước gia nhập sau phải cam kết ít nhất là bằng, trong nhiều trường hợp là sâu và rộng hơn nước gia nhập trước. Tiêu chuẩn gia nhập, vì vậy, được nâng dần.

Đàm phán gia nhập và các hệ quả của nó, như đã trình bày trên, là một

thực tế mà mọi nước xin gia nhập đều phải chấp nhận, kể cả những quốc gia được coi là chậm phát triển, lẽ ra phải được hưởng sự đối xử đặc biệt và khác biệt theo quy định của WTO [13].

Trên cơ sở đánh giá những bất lợi chung đối với những nước gia nhập bằng đàm phán, Chính phủ đã nêu rõ một số khó khăn riêng của Việt Nam. Đó là:

- Việt Nam đàm phán khi đã có Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA). Trong BTA, Việt Nam đã có những cam kết có ý nghĩa về mở cửa thị trường, đặc biệt là dịch vụ. Theo nguyên tắc MFN, khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, mọi thành viên WTO sẽ được hưởng các cam kết trong BTA. Vì lý do đó, trong đàm phán song phương, các thành viên đều yêu cầu Việt Nam phải lấy BTA làm khởi điểm để đàm phán. Trên thực tế, Việt Nam chỉ có thể gia nhập

WTO khi chấp nhận cam kết ở mức BTA cộng (BTA +), không thể bằng BTA và càng không thể thấp hơn BTA.

- Việt Nam đàm phán vào thời điểm đang diễn ra Vòng Doha. Các ý tưởng mới về tự do hóa thương mại, các yêu cầu sâu hơn về mở cửa thị trường, vì vậy, đều được đặt lên bàn đàm phán. Trong khi đó, thế “mặc cả” của Việt Nam lại yếu hơn một số nước khác bởi thị trường của Việt Nam tuy có tiềm năng nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhỏ. Một nhượng bộ nào đó đối với Việt Nam có thể là rất lớn nhưng với đối tác có thể là chưa đủ.

- Các cam kết WTO cộng có thể đã làm một số thành viên gia nhập trước Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi cam kết. Xuất phát từ đây, để “chắc ăn”, một số thành viên không chỉ yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết mà còn muốn thấy cam kết đó đã được thực thi trên thực tế, từ trước ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Với toàn bộ những yếu tố bất lợi trên, Việt Nam đã phải rất cố gắng mới tiệm cận được sự cân đối giữa yêu cầu của các đối tác và khả năng mở cửa thị trường thực tế của Việt Nam [13].

Bên cạnh những bất lợi, những thách thức to lớn như đã nêu trên, quá trình đàm phán gia nhập của Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi. Điều đầu tiên đó là Việt Nam đã xác định được những chủ trương, quan điểm đúng đắn về những yêu cầu đòi hỏi có tính khách quan phải chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng. Tiếp đó là sự quan tâm, đồng thuận của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện các lộ trình, kế hoạch gia nhập WTO. Với những nỗ lực to lớn, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã từng bước xây dựng được uy tín, hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế như một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề chung của nhân loại. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia, đối tác. Chính vì vậy, với những thời cơ và thách thức đó,

Việt Nam đã nỗ lực từng bước đàm phán, thuyết phục các đối tác để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức này.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)