Kiện toàn bộ máy hành chính minh bạch, hệ thống tòa án độc lập, công bằng

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 103)

độc lập, công bằng

Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo để các chính sách thương mại được thực thi một cách công bằng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế là phải xây dựng một nền hành chính minh bạch, nền tư pháp trong sạch, trong đó, phải có hệ thống tòa án độc lập, công bằng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bộ máy nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn 2001 - 2011, bộ máy hành chính nhà nước đã có những bước cải cách căn bản, hướng tới một nền hành chính hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; từng bước xác định rõ những việc do nhà nước đảm nhận, đẩy mạnh xã hội hóa đối với những việc mà xã hội và doanh nghiệp có thể thực hiện tốt hơn; tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước với nhiệm vụ quản trị kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, bộ máy hành chính ở Trung ương đã được kiện toàn theo hướng giảm đầu mối, tổ chức các Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện phân cấp mạnh cho các cấp chính quyền địa phương. Chính phủ và các Bộ tập trung thực hiện tốt chức năng xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, quản lý vĩ mô nền kinh tế; tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Song song với đó, chính quyền địa phương cũng đã từng bước được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước; gắn liền giữa giao quyền và trách nhiệm.

Sau hơn 10 năm thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2011, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đã bước đầu được phân định rõ ràng hơn, thủ tục hành chính đã từng bước được đơn giản

hóa theo hướng thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp; đội ngũ công chức từng bước được đào tạo theo hướng chuẩn hóa về nghiệp vụ, góp phần vào việc thực thi có hiệu quả hơn công tác quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả công tác cải cách hành chính trong giai đoạn này còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bất cập. Nhìn khái quát có thể thấy một số nét chính: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước còn chưa thật sự rõ ràng; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều vấn đề còn đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu; chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế: số lượng đông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; tình trạng tham nhũng trong bộ máy hành chính còn nhức nhối, gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; các dịch vụ công chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của bộ máy hành chính nhà nước, Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ đặt ra mục tiêu: “Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ phục vụ nhân dân và phát triển đất nước”. Để thực hiện mục tiêu đó, một trong các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là: “Tiếp tục xây dựng thể chế về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; sửa đổi, bổ sung các văn bản về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, thực hiện chế độ tiền lương đảm bảo để công chức thực hiện có hiệu quả công vụ”.

Đối với hệ thống các cơ quan tòa án, trong thời gian qua, cùng với quá trình đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống các cơ quan tư pháp

nói chung, các tòa án nói riêng, đã từng bước được kiện toàn về chức năng, thẩm quyền, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tư pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2002. Trong đó, một trong những quan điểm được đề cập trong quá trình cải cách là: “Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế và đáp ứng xu thế phát triển trong tương lai”. Trên cơ sở đó, Chiến lược đề ra phương hướng: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch; tổ chức các cơ quan tư pháp hợp lý, khoa học, hiện đại; các toà án được tổ chức theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu”.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)