Cải cách thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 95 - 98)

Thực hiện yêu cầu đổi mới - hội nhập - phát triển, trong thời gian qua, Chính phủ đã xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác cải cách hành chính, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết công việc liên quan đến các cơ quan nhà nước.

Ngày 10 tháng 01 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2007-2010 (Gọi tắt là Đề án 30). Đề án này bắt đầu được triển khai từ năm 2007 và kết thúc năm 2010. Trong quá trình triển khai Đề án này, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đã tiến hành đợt tổng rà soát toàn bộ thủ tục hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực và được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống hành chính nhà nước. Với thành công bước đầu của Đề án 30, lần đầu tiên Việt Nam thiết lập và công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet. Đã chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp … Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố có một bộ thủ tục hành chính cấp xã và một bộ thủ tục hành chính cấp huyện để thống nhất thực hiện tại địa phương. Trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành 25 Nghị quyết để đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý của Nhà nước. Kết quả này đã được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, khi các phương án đơn giản hóa được thực thi, dự kiến cắt giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho các cá

nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, với tổng chi phí tiết kiệm được lên tới gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, Đề án đã nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính của mỗi cá nhân, tổ chức; tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính các cấp.

Ngày 8 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2009/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, ngoài nhiệm vụ rà soát, tiến hành bãi bỏ những thủ tục không phù hợp, các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính còn có trách nhiệm thẩm tra, kiểm soát việc ban hành mới các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính nhằm bảo đảm hạn chế việc phát sinh quá nhiều thủ tục bất hợp lý như trong thời gian qua.

Theo Nghị định nói trên, mục tiêu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính là đảm bảo để các thủ tục hành chính:

- Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện.

- Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. - Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước.

- Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, liên thông, rõ ràng, minh bạch.

Song song với quá trình rà soát, bãi bỏ những thủ tục hành chính không hợp lý, không hợp pháp và kiểm soát quá trình ban hành mới các thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước đang tiến hành công bố Bộ thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đưa lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trên cơ sở tích hợp dữ liệu về thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính bao gồm các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản quy phạm pháp

luật có quy định về thủ tục hành chính được thường xuyên duy trì, cập nhật nhằm đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân truy nhập và sử dụng thông tin chính thức về thủ tục hành chính.

Những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua về việc kiểm soát, công khai thủ tục hành chính đã được cộng đồng quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hoan nghênh, đánh giá tích cực. Kết quả bước đầu của công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (trong đó có thủ tục hành chính liên quan hoặc tác động đến hoạt động thương mại) được xem như một trong những cố gắng của Việt Nam trong việc thực hiện có trách nhiệm những quy định của WTO và cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức này về minh bạch.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của Việt Nam cũng còn nhiều nội dung cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là những thủ tục hành chính trong các văn bản pháp luật của chính quyền địa phương. Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp, nhiều thủ tục hành chính này còn rườm rà, thiếu minh bạch, là kẽ hở cho việc phát sinh tiêu cực, tham nhũng từ một bộ phận công chức nhà nước khi thực hiện công vụ, gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Trong khi đó, công tác rà soát thủ tục hành chính trong thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào việc thống kê các thủ tục hành chính. Công tác cắt xén, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đã được thực hiện quyết liệt. Song, do hệ thống các quy phạm pháp luật của Việt Nam còn khá “cồng kềnh”, thiếu đồng bộ nên công tác rà soát, đơn giản hóa cũng còn gặp nhiều khó khăn; trong thời gian tới cần tiếp tục được duy trì thường xuyên, lâu dài, với sự cộng tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 95 - 98)