Hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc lấy ý kiến dự thảo và đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 105 - 108)

đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật

Hiện nay, hoạt động lấy ý kiến dự thảo và đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cụ thể: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định số 24/2009/NĐ- CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật nói trên điều chỉnh đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; Luật Ban hành văn bản quy

phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (năm 2004) và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật năm 2004 điều chỉnh hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị định số 100/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ điều chỉnh hoạt động đăng tải văn bản pháp luật trên Công báo, áp dụng chung đối với các văn bản pháp luật ở Trung ương và địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung, công tác lấy ý kiến đối với các dự thảo và đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, trong thời gian tới, nên hợp nhất hai luật nói trên, trong đó, thống nhất quy định một số nội dung sau đây:

- Quy định trách nhiệm lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan ban hành với thời gian cụ thể như sau:

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ do Chính phủ ban hành hoặc do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Thời hạn đăng tải lấy ý kiến là 60 ngày;

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan này. Thời hạn đăng tải là 60 ngày;

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn đăng tải là 45 ngày;

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Thời hạn đăng tải lấy ý kiến là 30 ngày.

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời hạn niêm yết là 15 ngày.

+ Xác định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc xác định các dự thảo văn bản cần thông báo và thực hiện việc thông báo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với các Ủy ban của WTO hoặc đến các thành viên theo quy định chung của Tổ chức này, đảm bảo để việc thông báo được nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời cùng với thời điểm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh).

- Quy định thống nhất thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các cấp theo hướng: thời hạn được quy định ngay tại văn bản nhưng không sớm hơn:

+ 45 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương;

+ 30 ngày, kể ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp;

- Quy định thống nhất thời hạn đăng Công báo là 15 ngày, kể từ ngày Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận được văn bản, đảm bảo để văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được đăng Công báo trước thời điểm có hiệu lực thi hành;

- Hiện nay, pháp luật không quy định bắt buộc về việc phải đăng Công báo đối với các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện. Việc đăng tải hay không là quyết định của cơ quan ban hành. Vì vậy, để đảm bảo thống nhất việc đăng tải một cách đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp này, đề nghị cần có quy định thống nhất trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi về việc bắt buộc phải đăng văn bản quy

phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện trên Công báo;

- Quy định thống nhất các cơ quan có trách nhiệm đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất sau 2 ngày và phải được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Uỷ ban nhân dân cấp huyện chậm nhất trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

- Quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Bộ Tư pháp là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nói trên. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, đảm bảo việc kết nối, tích hợp một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và nhu cầu tìm hiểu, thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Song song với quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc lấy ý kiến và đăng tải công khai văn bản quy phạm pháp luật, cần giao cho một cơ quan chức năng (có thể là Bộ Tư pháp) là cơ quan đầu mối tổng hợp, đánh giá kết quả việc triển khai những quy định nói trên. Theo đó, hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương cần có báo cáo đánh giá tình hình, kết quả triển khai; Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tổ chức sơ kết hoặc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 105 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)