Về thực thi pháp luật

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 63)

Tại đoạn 174 Báo cáo của Ban Công tác, liên quan đến vấn đề hạn ngạch thuế quan và miễn giảm thuế, Việt Nam cam kết: Kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng, phân bổ và quản lý hạn ngạch thuế quan một cách minh bạch và không phân biệt đối xử, phù hợp với Hiệp định WTO, bao gồm các Điều I, II, III, VIII, X, XI và XIII của Hiệp định GATT 1994, Điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp, Điều 2 của Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, và Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu.

Tại đoạn 250 Báo cáo, Việt Nam cam kết: Việc xây dựng mức phí và lệ phí cũng sẽ phải phù hợp với Điều VIII của Hiệp định GATT 1994 và Việt Nam đảm bảo sẽ áp dụng các yêu cầu về minh bạch và quy trình hợp lý trong các Hiệp định của WTO, đặc biệt là Điều X của Hiệp định GATT 1994. Nhà nhập khẩu có quyền khiếu nại các quyết định của các công ty này giống như các quyết định hành chính của Chính phủ Việt Nam. Ban Công tác ghi nhận những cam kết này.

Liên quan đến thủ tục cấp phép, tại đoạn 507 Báo cáo của Ban Công tác, Việt Nam cam kết như sau:

- Các điều kiện cấp phép không tạo thành các rào cản riêng về tiếp cận thị trường;

- Thủ tục và điều kiện cấp phép đối với các dịch vụ trong Bản cam kết sẽ được công bố trước khi có hiệu lực, trong đó, sẽ công bố rõ khung thời gian cho việc cấp phép;

- Các cơ quan sẽ thực hiện việc cấp phép trong thời hạn đã quy định; - Các loại phí trong việc nộp hồ sơ, xin cấp phép không tạo thành rào cản riêng về thương mại;

- Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm thông báo về tình trạng hồ sơ hoặc trả lời hồ sơ đó đã được coi là đầy đủ chưa theo yêu cầu của người nộp hồ sơ; nếu cơ quan yêu cầu về bổ sung hồ sơ thì có trách nhiệm thông báo không chậm trễ cho người nộp hồ sơ và người nộp hồ sơ sẽ có đủ thời gian để bổ sung hồ sơ;

- Theo yêu cầu của người nộp hồ sơ, cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp phép hồ sơ;

- Khi bị từ chối, người nộp hồ sơ có thể nộp hồ sơ khác về cùng vấn đề để khắc phục những sai sót trong hồ sơ trước đó;

- Khi hồ sơ cần phải phê duyệt, thì cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản không chậm trễ cho người nộp hồ sơ biết về hồ sơ đã được phê duyệt;

- Nếu việc cấp phép phải thông qua kiểm tra thì phải có lịch trình thời gian nhất định.

Liên quan đến vấn đề tính độc lập của các cơ quan quản lý nhà nước với các nhà cung ứng, tại đoạn 508 Báo cáo của Ban Công tác, Việt Nam cam kết: - Đối với những cam kết trong Biểu cam kết cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ độc lập và không chịu trách nhiệm trước bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào mà cơ quan này quản lý.

Tại đoạn 506 Báo cáo của Ban Công tác, Việt Nam cam kết:

- Việt Nam sẽ cung cấp một danh sách tất cả các tổ chức chịu trách nhiệm uỷ quyền, cho phép hoặc điều tiết các hoạt động dịch vụ trong mỗi ngành dịch vụ.

- Việt Nam sẽ công bố trong công báo tất cả những thủ tục và điều kiện cấp phép hiện đang áp dụng của mình.

Như trên đã nêu, các nước gia nhập bằng đàm phán chấp nhận quy chế WTO plus, mức tối thiểu đàm phán là mức cao nhất mà nước đó đã dành cho một thành viên (nguyên tắc MEN). Đối với Việt Nam, nước ta đàm phán gia nhập WTO khi đã ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa kỳ. Do vậy, những cam kết của Việt Nam về minh bạch hóa được lấy ở mức những gì cao nhất mà ta đã cam kết với Hoa Kỳ. Về nguyên tắc, Việt Nam cam kết thực hiện trọn gói các quy định của WTO về minh bạch. Điều này thể hiện ở những cam kết cụ thể của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phàn trên tất cả các lĩnh vực. Những cam kết này là khá thống nhất, thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với việc thúc đầy mạnh mẽ tự do hóa thương mại trên quan điểm hội nhập, hợp tác, cùng có lợi, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh cho hoạt động thương mại toàn cầu.

Cam kết của Việt Nam có thể được chia thành hai nhóm chính: nhóm 1, những cam kết về minh bạch trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật; nhóm 2, minh bạch trong thực thi chính sách, pháp luật. Cam kết ở nhóm 1 gồm có: nghĩa vụ phải công khai các dự thảo văn bản để lấy ý kiến tham vấn các bên và phải đăng tải hoặc thông báo, cung cấp những văn bản pháp luật và các hiệp định liên quan hoặc tác động đến thương mại, các bên phải có nghĩa vụ trong việc thực hiện cơ chế rà soát chính sách thương mại nhằm đảm bảo để hệ thống pháp luật luôn được minh bạch, phù hợp với các quy định chung của WTO. Cam kết ở nhóm 2, nghĩa vụ là phải đảm bảo để những quy định của pháp luật nói trên (đã được xây dựng phù hợp với các quy định của WTO) phải được thực thi đúng, không bị méo mó qua khâu thực thi (tổ chức thực hiện). Nghĩa vụ này rất rộng và đa dạng. Tuy nhiên, chúng được tựu chung lại ở những quy định trong hai điểm: một, là việc đảm bảo tính không can thiệp không hợp pháp của nhà nước vào thị trường thông qua các hoạt động nhằm tạo ra những rào cản không cần thiết, cả về thuế quan và phi thuế quan, như: tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, cấp phép đầu tư, kinh doanh, hạn ngạch,... phải có hệ thống tư pháp độc lập có thể phán quyết nhanh chóng, kịp

thời đối với quyết định của cơ quan hành chính; hai, là việc thiết lập mạng lưới hỏi, đáp để giải đáp nhanh chóng, kịp thời, chính thức đối với những yêu cầu của các bên liên quan đến việc tìm hiểu và thực thi chính sách.

Tóm lại, minh bạch là nguyên tắc cơ bản của WTO, là điều kiện không thể thiếu cho việc thực hiện tự do hóa thương mại. Đây là vấn đề được nhiều thành viên quan tâm trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập. Để hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật thương mại của Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, nhiều thành viên đã nêu vấn đề và đề nghị Việt Nam đưa ra những cam kết cụ thể về minh bạch trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Về cơ bản, những quy định của WTO về minh bạch là những quy định có tính chất nguyên tắc chung, không đưa ra hình thức, cách thức, thời hạn cụ thể (ví dụ như: chỉ quy định có tính chất định tính đối với thời điểm đăng tải văn bản là “chậm nhất”, “không chậm trễ”, “trước thời điểm có hiệu lực”; hay cách thức công bố là “công bố bằng cách thức phù hợp”,...). Như vậy, có thể thấy, so với quy định chung của WTO, các cam kết của Việt Nam là khá cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, từ minh bạch quá trình xây dựng đến thực thi chính sách pháp luật, như: cam kết về những ấn phẩm, các website chính thức và thời hạn đăng tải văn bản pháp luật và đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, về nghĩa vụ thông báo,... Những cam kết này ít nhất bằng “trần thấp nhất” của WTO. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã cam kết nghĩa vụ minh bạch cao hơn nghĩa vụ của nhiều thành viên khác, đặc biệt là những thành viên sáng lập (vì những thành viên này chỉ thỏa thuận, cam kết ở mức thấp nhất). Tuy nhiên, như đã nêu trên, những cam kết này, bên cạnh những thách thức trong quá trình thực hiện, còn là cơ hội để “tạo sức ép” thúc đẩy quá trình đổi mới của Việt Nam. Vì vậy, theo đánh giá chung, với những cam kết này, khi thực hiện sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ tới công tác quản lý của bộ máy nhà nước ở nước ta, tạo môi trường thông thoáng, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh.

Chương 3

Một phần của tài liệu Minh bạch trong WTO và việc thực thi của Việt Nam (Trang 63)