Cam kết về việc đăng tải các dự thảo văn bản lấy ý kiến được ghi nhận tại đoạn 511 Báo cáo của Ban Công tác, cụ thể như sau:
- Dự thảo các văn bản quy pham pháp luật được đăng trên trang tin điện tử (website) của Bộ chức năng và cơ quan soạn thảo.
- Các dự thảo văn bản liên quan đến đầu tư trên trang tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn);
- Các dự thảo văn bản liên quan đến các quy định về thương mại trên trang tin điện tử của Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn);
- Các dự thảo văn bản về thuế và tài chính trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính (www.mof.gov.vn);
- Một số các dự thảo cũng được đăng trên trang tin điện tử của Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn).
- Các đơn vị dự thảo cũng có thể tổ chức các buổi hội thảo hoặc hội nghị chuyên đề để thảo luận về các bản dự thảo với các đối tượng có quan tâm. Đại diện của Việt Nam lưu ý rằng, Chỉ thị số 28/2001/CT-TTg yêu cầu các Bộ ngành lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quá trình soạn thảo các chính sách và quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Dự thảo các văn bản pháp luật có ảnh hưởng đến cộng đồng kinh doanh được đăng trên trang tin điện tử (website) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (www.vibonline.com.vn).
- Không công bố để lấy ý kiến nếu nó liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước hoặc bản chất hoặc nội dung của dự thảo không đòi hỏi phải công bố như vậy.
Tại Nghị quyết 71/2006/QH11, Việt Nam cam kết thời hạn lấy ý kiến tối thiểu là 60 ngày. (Đây được đánh giá là cam kết đi xa hơn so với các quy định của WTO, nhưng do nó phù hợp với tiến trình đổi mới, phát huy dân chủ của Việt Nam nên nó được lựa chọn).
Liên quan đến các hiệp định, tại đoạn 526 Báo cáo của Ban Công tác, Việt Nam cam kết: đảm bảo các quy định của các Hiệp định WTO về tham vấn và các yêu cầu khác liên quan đến các khu vực mậu dịch tự do và Liên minh thuế quan mà Việt Nam là thành viên sẽ được tuân thủ kể từ ngày gia nhập.
Những cam kết về lấy ý kiến các bên và doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc chung của WTO: không phải lấy ý kiến đối với những dự thảo có ảnh hưởng đến bí mật Nhà nước hoặc an ninh quốc gia. Trong những cam kết của mình, Việt Nam đã đưa ra những hình thức cụ thể để lấy ý kiến, gồm: (1) đăng tải công khai trên các trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước, với thời hạn tối thiểu là 60 ngày; (2) tổ chức hội thảo lấy ý kiến. Cam
kết về hình thức, thời hạn lấy ý kiến như trên đã được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Việc đưa ra cam kết về thời hạn lấy ý kiến ít nhất 60 ngày đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương là cam kết được nhiều đối tác đánh giá cao bởi nó khá dài so với quy định của nhiều nước, tạo điều kiện cho các bên và các doanh nghiệp tham gia ý kiến.