Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế phát triển mạnh mẽ, cùng với nó là tốc độ biến đổi, tốc độ vận động nhanh chóng của các quá trình kinh tế xã hội, sự thay đổi vị thế và vai trò của các nhân tố trong nước và quốc tế, nhà nước tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề như sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ, áp lực về dân số ngày càng tăng, ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, giảm nghèo khổ hay sự hội nhập toàn cầu ngày càng sâu sắc của các thị trường và việc chuyển sang những hình thức chính phủ dân chủ hơn. Vấn đề được đặt ra hiện nay là cần xác định mối tương quan giữa nhà nước và thị trường, trong đó, nhà nước đóng vai trò như thế nào. Trước hết cần phải khẳng định, không thể có sự phát triển kinh tế xã hội bền vững nếu không có một nhà nước hoạt động có hiệu quả. Một nhà nước có hiệu quả, chứ không phải một nhà nước với vai trò chi phối nền kinh tế hay một nhà nước tối thiểu, là trung tâm của sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhà nước phải thân thiện với thị trường, đóng vai trò là một đối tác, là chất xúc tác và là người tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Hay nói cách khác, nhà nước phải hoạt động để bổ sung cho các thị trường chứ không phải là thay thế cho các thị trường đó. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới cần đến một kiểu nhà nước có chức năng tinh vi hơn và có khả năng linh hoạt cao hơn. Tuy nhiên, sự lựa chọn và sự ưu tiên cho chức năng này hay chức năng khác của nhà nước đối với từng xã hội khác nhau là khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển, vào hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.
Đối với các nước phát triển, quá trình giải điều tiết của nhà nước bằng cách đa dạng hóa hệ thống dịch vụ công cộng, chuyển dần hệ thống đó vào tay khu vực tư nhân là một đòi hỏi tất yếu. Thay vào đó, vai trò an ninh, vai trò tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và thử nghiệm, vai trò dẫn dắt đầu tư
trong các lĩnh vực mới, nhất là đầu tư mạo hiểm v.v của nhà nước lại tăng lên đáng kể.
Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển, vấn đề đặt ra đối với vai trò kinh tế của nhà nước tại các nước này đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Hầu hết các nước đang phát triển đều đang trong một quá trình kép: vừa tiến hành xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, vừa tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới biến đổi nhanh. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nhà nước ở các quốc gia này phải có những chức năng tinh vi hơn và có sự nhạy bén, uyển chuyển cao hơn trước.
Vai trò đầu tiên mà các nhà nước này phải thực hiện đó là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các quan hệ thị trường:
- Nhà nước cần cung cấp cho thị trường một khung pháp lý vững chắc, không chỉ bao gồm hệ thống luật lệ và quy định, mà còn bao hàm các định chế cần thiết để thực hiện và cưỡng chế thi hành luật, giải quyết tranh chấp, như toà án, các cơ quan cưỡng chế thi hành luật, các cơ quan đăng ký đất đai, doanh nghiệp và tài sản thế chấp. Trong nền kinh tế thị trường, phần lớn các giao dịch là dựa trên hợp đồng. Khi những luật lệ quy định quyền sở hữu được rõ ràng và cơ chế cưỡng bức thi hành luật được thực hiện tốt thì chi phí hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ giảm xuống và thị trường sẽ vận hành hiệu quả hơn. Có thể nói, nhà nước là nhân tố thiết yếu cho việc đặt ra những cơ sở thể chế thích hợp cho thị trường, và uy tín của chính phủ, hay sự rõ ràng, minh bạch, ổn định và có khả năng tiên đoán trước được của các quy tắc và chính sách, cũng như sự nhất quán trong việc áp dụng, có vị trí quan trọng như là chính nội dung của những quy định và chính sách ấy. Mặt khác, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhà nước cũng phải tái cấu trúc, tức là phải biến đổi sao cho có một cơ chế hoạt động tương đồng với môi trường bên ngoài. Điều đó có nghĩa là, nó phải tìm được tiếng nói chung với hệ thống pháp luật và thông lệ quốc tế, tính đến các ràng buộc trong các hiệp định song phương, đa phương và với những yêu cầu chung từ phía các nước phát triển. Việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt
động, thúc đẩy cạnh tranh để khuyến khích đổi mới và phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả phải được coi là một trách nhiệm được ưu tiên cao của chính phủ.
- Bên cạnh hệ thống chính sách và pháp luật phù hợp, nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính, củng cố khu vực tài chính trong nước, tránh bóp méo giá cả và tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư. Những chính sách này giúp cho một nền kinh tế khai thác được lợi ích tiềm năng từ các lực lượng thị trường cạnh tranh. Những lực lượng này đưa ra các tín hiệu đúng và biện pháp kích thích đối với các tác nhân kinh tế để tích luỹ các nguồn tài nguyên, sử dụng chúng một cách có hiệu quả và thực hiện đổi mới. Sự ổn định kinh tế vĩ mô có quan hệ mật thiết với tăng trưởng. Một mức lạm phát cao tạo ra sự bấp bênh về lợi tức của tiết tiết kiệm và đầu tư, do đó, không kích thích được việc tích luỹ vốn. Mức lạm phát cao cũng làm cho việc duy trì một tỷ giá hối đoái ổn định và có tính cạnh tranh là khó khăn, làm ảnh hưởng đến năng lực của một đất nước trong việc khai thác những lợi ích của sự mở cửa và tạo sự bất ổn định về tiền lương. Hạn chế sự bóp méo giá cả cũng là một thành phần thiết yếu của các chính sách tốt, bởi vì những bóp méo giá cả có thể gây cản trở cho tăng trưởng. Chúng có thể làm nản ý định của các nhà đầu tư, biến những cố gắng thành hoạt động phi sản xuất, và gây ra tình trạng sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những bóp méo về giá cả có nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là việc phân biệt đối xử đối với nông nghiệp, định giá quá cao đồng tiền bản địa, tiền lương phi thực tế và những hình thức thuế ẩn giấu hoặc những khoản trợ cấp đối với việc sử dụng vốn. Việc duy trì thương mại tự do, thị trường vốn và các chế độ đầu tư cũng là những yêu cầu đặt ra đối với các nhà nước. Các thị trường mở cung cấp những cơ hội tốt cho người dân và các doanh nghiệp trong việc tăng khả năng tiếp cận với các nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, tài chính cũng như trình độ quản lý hiện đại. Các mối liên kết thương mại với nền kinh tế thế giới cũng giúp cho mức giá cả trong nước được điều chỉnh theo các điều kiện thị trường toàn cầu, từ đó mà các mức giá này phản ánh được chính xác hơn giá trị khan hiếm của các hàng hóa và dịch vụ. Mặt khác, việc nâng cao các biện pháp kích thích và
tạo thêm nhiều cơ hội sẽ cho phép các doanh nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một nền kinh tế mở hơn cũng đi liền với việc phải tiếp xúc nhiều hơn với những rủi ro từ bên ngoài, làm cho các chính phủ theo đuổi những chính sách không nhất quán càng phải trả giá nhiều hơn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với nhà nước trong việc phải thiết lập và duy trì một hệ thống chính sách phù hợp, nhất quán nhưng phải bảo đảm tính linh hoạt để sẵn sàng đối phó với các thay đổi và rủi ro có thể xảy ra.
Đối với các nước đang phát triển hiện nay, việc để cho thị trường vận hành hiệu quả chiếm vị trí ưu tiên so với việc làm cho thị trường vận hành hiệu quả. Đối với nhà nước, việc giải toả những biến dạng thị trường do chính các chính sách nhà nước gây ra và xây dựng các nền tảng định chế của nền kinh tế thị trường là quan trọng hơn nhiều so với việc tìm kiếm và sửa chữa những thất bại cố hữu của thị trường. Trước khi sửa chữa cơ cấu động lực thúc đẩy thị trường để đạt được một kết quả lý tưởng nào đó, trước tiên nhà nước nên dành cho thị trường một cơ hội để vận hành càng tự do càng tốt. Người ta không nên sửa chữa một động cơ mà trước tiên không thử khởi động xem nó hoạt động như thế nào, và lôgíc đó cũng được áp dụng để sửa chữa một nền kinh tế. Mặt khác, việc nhà nước can thiệp vào thị trường trong bối cảnh hiện nay cần phải tính đến các tính chất mới của các thất bại thị trường.
- Trước hết, nhà nước không cần tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất những hàng hóa và dịch vụ mà thị trường có khả năng cung cấp hoặc có thể nhập khẩu. Việc cung cấp các hàng hóa công cộng như kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng, là trách nhiệm cao nhất của nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước cần huy động thêm nguồn lực cần thiết để thực hiện bằng cách giải phóng tiềm năng của khu vực tư nhân, không phải để thay thế mà là để bổ sung cho khu vực nhà nước trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ này. Khu vực tư nhân có thể đóng góp bằng cách trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp các dịch vụ kết cấu hạ tầng, hoặc có thể đóng góp gián tiếp thông qua nộp thuế.
- Các tiến bộ công nghệ cho phép các công ty tư nhân cạnh tranh trong các lĩnh vực trước đây vẫn bị coi là „độc quyền tự nhiên‟ đã làm thay đổi quan
hệ giữa nhà nước và thị trường. Đối với các ngành này, vai trò của nhà nước là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bằng cách tăng cường tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh và bảo đảm quyền sở hữu cũng như tính ổn định và có thể tiên đoán trước của hệ thống luật pháp và chính sách.
- Các thị trường nước ngoài đã trở nên dễ tiếp cận hơn và ngày càng minh bạch nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet và sự vận động tự do của các luồng vốn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra cho các chính phủ cũng như người dân nhiều cơ hội lựa chọn hơn đối với những hàng hóa và dịch vụ trước đây không có hoặc rất đắt đỏ trong thị trường nội địa. Do đó, nhà nước cần tính đến các yếu tố này trong quá trình can thiệp và đưa ra các chính sách phù hợp đối với các lĩnh vực này, bao gồm cả giáo dục, y tế và lương hưu.
- Vấn đề ô nhiễm môi trường, một trong các thất bại của thị trường vẫn cần đến sự can thiệp và kiểm soát của nhà nước. Cơ chế thị trường không đánh giá các nguồn tài nguyên môi trường một cách thoả đáng, các đánh giá về môi trường không được xem xét đầy đủ trong những quyết định về sản xuất và tiêu dùng. Do đó, nếu không có một số hình thức bảo vệ có tính điều tiết thì môi trường có thể trở thành một nạn nhân vô tội của các tập tục kinh doanh xấu. Mặt khác, các nước đang phát triển đang trong quá trình hội nhập kinh tế, do đó, càng ngày nền kinh tế của các nước này càng phải tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn về môi trường. Đó là điều kiện bắt buộc khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, đảm bảo cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu có đủ điều kiện để vượt qua các hàng rào kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là của các nước phát triển. Tuy nhiên, việc điều tiết các vấn đề môi trường dựa trên các biện pháp kỹ trị thuần tuý thường ít có khả năng thành công, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi mà những cơ sở thể chế về điều tiết còn nhiều yếu kém. Do đó, nhà nước tại các nước này sẽ có khả năng thành công cao hơn trong việc ngăn chặn những sự phá hoại môi trường của các thị trường tư nhân tự do nếu dựa vào các thông tin công cộng, sự tham gia của người dân và những quy định pháp luật.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 1
Trong gần hai thập kỷ vừa qua, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có sự gia tăng mạnh mẽ, diễn ra toàn diện trên nhiều lĩnh vực: thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường… với các hình thức đa dạng và mức độ khác nhau, tạo ra những mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, sự phụ thuộc sâu sắc và những tác động qua lại hết sức nhanh nhạy giữa các nền kinh tế trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay diễn ra trên nền tảng các công cụ mới, với sự xuất hiện của những nhân vật mới, những thị trường mới, giá trị mới và vận động dựa trên khuôn khổ những quy tắc điều chỉnh mới. Chính những yếu tố mới này, như sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia, sự vận động liên tục của các luồng tài chính, sức ép cạnh tranh, vai trò ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ, cùng những quy tắc, luật lệ của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực đang tạo ra những tác động, ảnh hưởng đối với vai trò kinh tế của một nhà nước quốc gia. Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang làm thay đổi tính chất của các thất bại thị trường, buộc nhà nước phải xem xét lại mức độ và phạm vi, cách thức can thiệp của mình vào nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở xem xét các đặc trưng và tác động của quá trình toàn cầu hóa đối với vai trò kinh tế của nhà nước, cũng như đặc điểm của các nước đang phát triển trong bối cảnh hiện nay, chương 1 của luận văn rút ra một số nội dung can thiệp của nhà nước tại các nước đang phát triển. Đó là trước hết, nhà nước tại các nước đang phát triển cần tạo dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho các quan hệ thị trường xuất hiện và phát triển. Bên cạnh đó, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường cần phải dựa trên những nguyên tắc mới, tính đến những tính chất mới của các thất bại thị trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vai trò kinh tế của nhà nước phải được gắn với những ràng buộc từ phía các yếu tố mang phạm vi quốc tế, cũng như những tác động và ảnh hưởng từ các nhân tố dưới cấp quốc gia. Một nguyên tắc mang tính cơ bản trong vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường đó là nhà nước phải làm cho thị trường vận hành hiệu quả bằng
cách chính nhà nước phải trở nên hiệu quả và minh bạch hơn. Và nhà nước tại tất cả các quốc gia cần phải kiên định theo đuổi mục tiêu này.
CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG VAI TRÒ KINH TẾ CỦA NHÀ NƢỚC TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ
QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
2.1 TỔNG QUAN QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM