Đẩy mạnh cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nƣớc, tạo điều

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 121)

kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế hoạt động và phát triển, đặc biệt là thành phần kinh tế tƣ nhân

Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải đối mặt với một thách thức to lớn, đó là yêu cầu nâng cao sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam chính là lực lượng quyết định sự thành bại của tiến trình hội nhập, là chủ thể trực tiếp, là nhân vật chính của tiến trình này. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế thì vấn đề mấu chốt chính là việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù áp lực của các thách thức hội nhập đang ngày càng gia tăng mạnh, song nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp, cả ở khu vực kinh tế nhà nước lẫn ngoài nhà nước, đều chưa thực sự sẵn sàng cho quá trình này. Tính chưa sẵn sàng thể hiện ở hai khía cạnh. Một là nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là trên thị trường quốc tế, chưa được đặt thành một mục tiêu cấp bách. Hai là việc nâng cao trình độ kinh doanh, liên quan trước hết đến tổ chức, thể chế hoạt động, ở cấp doanh nghiệp diễn ra quá chậm. Xu hướng ỷ lại Nhà nước, khuynh hướng thay thế nhập khẩu, tức là chỉ muốn hoạt động trên thị trường

nội địa do cạnh tranh đỡ phức tạp hơn, do có sự bảo hộ mậu dịch từ phía chính sách thương mại của Nhà nước đang ngăn cản nỗ lực hội nhập thực tế mà các doanh nghiệp buộc phải thực hành trong thời gian ngắn trước mắt. Chính vì vậy, điều kiện đầu tiên đặt ra là bản thân mỗi doanh nghiệp phải nhận thức được sự cần thiết và những lợi ích thiết thân mà họ có cơ hội đạt được khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó tạo ra động lực để doanh nghiệp tích cực nâng cao hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước, trong những môi trường đầy thách thức. Trong khi đó, về nguyên tắc, động lực này ở các doanh nghiệp nhà nước là yếu, chỉ ở doanh nghiệp tư nhân, nó mới thực sự phát huy được sức mạnh vốn có của mình. Do đó, các doanh nghiệp phải được hưởng chế độ thưởng phạt xứng đáng. Những doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ nhận được thành quả tương ứng với những nỗ lực mà mình đã bỏ ra, còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không tích cực chủ động đổi mới sẽ bị “phạt” và phải gánh chịu sự đào thải của thị trường. Về phía Nhà nước, bên cạnh việc tạo điều kiện và môi trường thể chế để cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được sức cạnh tranh của mình trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước cần tiếp tục tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tăng cường cạnh tranh, phá thế độc quyền, nâng cao tính chủ động, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Về số lượng doanh nghiệp, cần xây dựng lịch trình hàng năm giảm bớt số lượng doanh nghiệp, lĩnh vực và ngành/nghề hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt phấn đấu chỉ giữ lại hình thức doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp công ích, các tổng công ty và các doanh nghiệp độc lập có ý nghĩa quan trọng. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tập trung hoạt động trong các lĩnh vực, ngành/nghề then chốt mà nhà nước cần nắm hoặc tư nhân không có khả năng làm như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một số ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng và công nghiệp công nghệ cao.

Về hình thức sở hữu, thực hiện cổ phần hóa hoặc đa dạng hóa sở hữu ở các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn để huy động thêm vốn, tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Trong tiến trình cổ phần hóa, cần mở rộng bán cổ phần cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giảm tỷ trọng vốn cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, xoá bỏ chế độ bảo hộ và các quyền ưu tiên đặc biệt cho các doanh nghiệp này nhằm tạo động cơ thúc đẩy sự thay đổi cách làm việc cũ để trở nên hiệu quả hơn. Thực hiện việc bán, khoán, cho thuê các doanh nghiệp nhà nước loại nhỏ mà Nhà nước không cần nắm giữ, sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có hiệu quả.

Xây dựng hệ thống chính sách để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Chuyển các doanh nghiệp kinh doanh sang hoạt động theo cơ chế công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Phân biệt quyền của chủ sở hữu và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm cho các doanh nghiệp có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm đầy đủ trong sản xuất kinh doanh, như trong quyết định đầu tư, quyết định phương án kinh doanh, tự chủ về tài chính, tự quyết về nhân sự và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để các doanh nghiệp nhà nước lớn lên bằng chính sức mình, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước phải chấm dứt ngay việc cấp vốn mang nặng tính bao cấp cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điệu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước huy động mọi nguồn vốn khác trong xã hội để hoạt động kinh doanh. Rà soát để cắt bỏ tín dụng ưu đãi tràn lan. Các trường hợp cần duy trì thì chuyển sang chế độ “hậu ưu đãi”. Xoá bỏ việc cho vay theo quyết định hành chính và bảo lãnh tín dụng bất hợp lý. Nếu không, các doanh nghiệp nhà nước khó lòng chuyển sang phương thức huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường vốn.

Tiếp tục giảm dần bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước qua các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Cần có quy định cụ thể để không biến độc quyền

nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Tiến hành tách các hoạt động thuộc độc quyền nhà nước như mạng trục thông tin quốc gia và quốc tế, hệ thống truyền tải điện quốc gia... khỏi các tổng công ty kinh doanh trong lĩnh vực này; điều tiết thu nhập siêu lợi nhuận do được kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền và đặc quyền.

Thành phần kinh tế tư nhân sinh lợi cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời cũng là lực lượng xung kích trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân hoạt động và phát triển để có thể phát huy được đầy đủ tiềm năng các thành phần kinh tế này. Nhà nước cần tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân thông qua việc giảm những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong việc phân bổ tín dụng ngân hàng, các hạn ngạch xuất và nhập khẩu và việc cấp đất. Chính sách bảo hộ nên được cân nhắc kỹ, tập trung theo một số ngành và chỉ bảo hộ trong thời gian nhất định. Việc lựa chọn các ngành này phải dựa trên cơ sở phân tích liệu các ngành này có tiềm năng trở thành ngành có hiệu quả và phát triển những lợi thế so sánh năng động hay không (hay nói cách khác là dựa trên cơ sở ngành non trẻ). Đối với các chính sách về đất đai, cần rà soát lại những quy định hiện có về quyền sử dụng đất phi nông nghiệp, giảm bớt chi phí thuê đất và nới lỏng các hạn chế về sử dụng đất để có nhiều đất đai hơn cho mục đích công nghiệp và thương mại, giúp loại bỏ dần rào cản lớn hiện đang ngăn cản khu vực tư nhân thành lập và mở rộng doanh nghiệp của mình và giúp tạo điều kiện dễ dàng cho sự tiếp cận của các doanh nghiệp tư nhân với nguồn vốn. Việc đơn giản hóa các điều kiện thành lập doanh nghiệp và việc xoá bỏ quyền phủ quyết của các doanh nghiệp hiện có đối với các doanh nghiệp mới cũng là những việc quan trọng. Mặt khác, Nhà nước cần làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu là định hướng, xây dựng và bảo đảm vận hành của các thể chế, chính sách quản lý vĩ mô, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm sự tuân thủ luật pháp, phát triển cơ sở

hạ tầng, tạo môi trường và điều kiện để hạ thấp chi phí sản xuất, chi phí giao dịch, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhà nước có một trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc mở cửa mọi kênh thông tin liên lạc khả dĩ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thông tin phù hợp, chất lượng tốt và cập nhật về sản phẩm, thị trường và công nghệ v.v, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà nước cũng có trách nhiệm hỗ trợ sự phát triển của các định chế thích hợp và cơ cấu lại các định chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu của thương trường. Nhà nước cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như kế toán, công nghệ thông tin và tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, quảng cáo và đào tạo, giúp giảm chi phí cố định, tận dụng được lợi thế về chuyên môn hóa. Ngoài ra cũng cần phát triển các định chế tài chính và các hiệp hội nghề nghiệp nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân. Để làm được việc này, Nhà nước phải tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng với các kênh thông tin và đảm bảo rằng các định chế hỗ trợ sẽ phục vụ cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân.

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)