Chính sách kiểm soát ngoại hối và tỷ giá hối đoái

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 85)

Chính sách kiểm soát ngoại hối được nhà nước ban hành từ năm 1988, theo Nghị định 161/HĐBT (18/10/1988), quy định mọi tổ chức, cá nhân phải gửi tất cả ngoại tệ tại ngân hàng. Khách hàng có thể sử dụng khoản ngoại tệ này để thanh toán hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, số còn lại phải bán cho

Chính phủ theo giá thị trường và mọi chuyển khoản ra nước ngoài phải được phép của Ngân hàng Nhà nước và phải được thực hiện theo tài khoản đối ứng.

Năm 1998, sau khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Á, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số biện pháp nhằm thắt chặt hơn kiểm soát ngoại hối. Theo Quyết định 37/1998/QD-TTg (4/1998), mọi doanh nghiệp phải gửi ngoại tệ vào tài khoản của mình tại các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Quyết định 173/1998/QD-TTg (9/1998) buộc các tổ chức kinh tế phải gửi 80% ngoại tệ vào ngân hàng. Từ 8/1999 đến tháng 5/2002, tỷ lệ kết hối đã từng bước được giảm xuống từ 80% xuống còn 50%, rồi 40% vào năm 2001 và còn 30% vào tháng 5/2002. Có thể nói, chính sách kiểm soát ngoại tệ trong giai đoạn này đã góp phần nhất định vào việc ổn định cung cầu ngoại tệ trong nước, đồng thời tập trung được một số ngoại tệ lớn phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý ngoại hối trong thời gian này cũng đã góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khu vực đối với nền kinh tế - tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát ngoại hối này cũng đã gây nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp tư nhân trong việc vay ngoại tệ, do có nhiều thủ tục rườm rà như phải đáp ứng một số giấy tờ cần thiết, đặc biệt là phải được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Đây chính là một dạng rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng bị hạn chế nhiều trong việc mở tài khoản để vay ngoại tệ từ nước ngoài do phải đáp ứng một số điều kiện như khoản vay tối thiểu là 3 triệu USD và chỉ được sử dụng cho mục đích xây dựng cơ sở và mở rộng sản xuất trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải tự cân đối nhu cầu ngoại hối, ngoại trừ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và dự án thay thế nhập khẩu.

Nhận thức được các mặt hạn chế này, từ năm 2000, nhà nước đã áp dụng một chính sách kiểm soát ngoại hối được nới lỏng đáng kể. Theo Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi (5/2000) và Quyết định 468/2000/QD-NHNN7 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban hành 11/2000, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép mua ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước để thanh toán cho các giao dịch thường xuyên và mua sắm máy móc thiết bị, và

các giao dịch được phép khác. Các biện pháp kiểm soát đối với các giao dịch qua tài khoản vãng lai cũng đã được xoá bỏ. Tháng 4/2003, Quyết định 46 của Chính phủ đã giảm yêu cầu kết hối ngoại tế xuống 0%.

Chính sách tỷ giá có vai trò quan trọng đối với thương mại trong việc

điều chỉnh cán cân thương mại do có tác động đáng kể lên khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Chính sách tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá hữu hiệu thực (REER), phản ánh mức độ mở cửa với các đối tác thương mại trên thế giới.

Trong giai đoạn 1986 - 1989 việc ấn định tỷ giá ở Việt Nam được áp dụng có tính chất quan liêu, chủ quan, tuỳ tiện, không phản ánh đúng giá thị trường của đồng nội tệ so với đồng Rup và đồng Đôla Mỹ. Năm 1988, Việt Nam bắt đầu phá giá mạnh một số lần đối với hai loại tỷ giá chính thức. Động thái có ý nghĩa đầu tiên trong chính sách tỷ giá là việc Chính phủ thống nhất chế độ đa tỷ giá thành một tỷ giá chính thức, xoá bỏ tỷ giá kết toán nội bộ, theo chỉ thị 43/CT (3/3/1989) của HĐBT. Từ đây, tỷ giá chính thức đã được ấn định dựa trên mức lạm phát, lãi suất, tình trạng cán cân thanh toán và tỷ giá trên thị trường tự do. Các ngân hàng thương mại có thể ấn định lãi suất với biên độ (+/-) 5% so với tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ năm 1991, cùng với sự ra đời của hai Sàn Giao dịch ngoại tệ ở Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ giá được hình thành trên cơ sở đấu giá, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong việc mua và bán ngoại hối. Cuối năm 1991, các ngân hàng thương mại được phép tự ấn định tỷ giá với biên độ là 0.5% so với tỷ giá chính thức. Từ năm 1994-1996, tỷ giá chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn định trên cơ sở tỷ giá trên Thị trường Ngoại tệ liên ngân hàng (thành lập năm 1994), trong đó biên độ được mở rộng từ 0,5% lên 1% (1996). Từ năm 1997, biên độ tỷ giá được điều chỉnh qua từng giai đoạn, và đến tháng 7/2002, biên độ tỷ giá được quy định là 0,25%.

Từ năm 1997 đến nay, việc điều chỉnh kịp thời tỷ giá đã góp phần giải quyết một bước tình trạng ngưng trệ của thị trường liên ngân hàng. Doanh số

giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng đã có xu thế tăng lên, cung ngoại tệ được khuyến khích hơn, đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế. Mặt khác, ngân hàng đã nắm bắt được tình hình cung cầu về ngoại tệ thông qua thị trường liên ngân hàng để thực hiên can thiệp với mức độ thích hợp. Bằng cách kết hợp với các biện pháp quản lý ngoại hối, chính sách thu hút kiều hối, việc điều hành tỷ giá trong những năm qua đã có tác động tích cực tới tăng nguồn dự trữ ngoại tệ.

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 85)