Chức năng thứ nhất của nhà nước là sửa chữa các thất bại của thị trường để thị trường có thể hoạt động hiệu quả hơn. Thất bại của thị trường là một tập hợp các điều kiện mà trong đó một nền kinh tế thị trường không phân bổ được các tài nguyên một cách có hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của thị trường và nhiều mức độ thất bại khác nhau. Do đó, vai trò của nhà nước và hình thức can thiệp của nhà nước cũng là khác nhau đối với mỗi trường hợp cụ thể.
a) Hàng hóa công cộng
Các thị trường hoạt động tốt thường là phương tiện hữu hiệu nhất để cung cấp những hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế cần đến. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp và với mọi loại hàng hóa và dịch vụ, thị trường đều có thể đảm đương được nhiệm vụ này. Điều này thường xảy ra đối với việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công cộng, là loại hàng hóa có hai đặc tính: “tính không loại trừ” (không thể ngăn cản người sử dụng tiêu dùng hàng hóa này) và “tính không tranh giành” (việc một người tiêu dùng sử dụng hàng hóa này không hề làm giảm khả năng cung ứng dành cho những người khác). Nói chung, đây là những hàng hóa có tác động to lớn đến chất lượng cuộc sống của con người như không khí sạch, y tế công cộng v.v.
Mục đích của các doanh nghiệp tư nhân là tối đa hóa lợi nhuận, vì thế, mọi thứ họ cung cấp phải được tính một mức giá đủ để bù đắp chi phí cùng với một khoản lợi nhuận hợp lý. Tuy nhiên, hàng hóa công cộng với hai đặc tính trên khiến cho nhà cung cấp không thể nhận được từ người tiêu dùng giá tiền trả cho hàng hóa đó, hoặc nhận được một cách không như mong đợi. Do đó, khu vực tư nhân không cung ứng những hàng hóa này, hoặc nếu có, họ thường tính mức giá quá cao và/hoặc cung ứng một số lượng hàng hóa quá ít không thể thoả mãn tiêu chí hiệu quả. Điều này dẫn đến chức năng cơ bản đầu tiên của nhà nước đó là cung ứng các hàng hóa và dịch vụ công cộng, mà trước hết là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của nền kinh tế như kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và thông tin. Đây là những hàng hóa công cộng đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn chậm, do đó, nhà nước phải đóng vai trò trung tâm trong việc cung ứng các hàng hóa này. Bên cạnh đó, việc cung cấp các hàng hóa dịch vụ xã hội cũng là một trách nhiệm tối cao khác của nhà nước. Nhà nước đầu tư cho giáo dục, y tế công cộng, như phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, cung cấp nước sạch cho người dân hay kiểm soát những căn bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Việc dùng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và việc kiểm soát các căn bệnh truyền nhiễm là những hàng hóa và dịch vụ công cộng có những tác động lan toả to lớn mà khu vực tư nhân không có động cơ kinh tế để cung cấp
hoặc không có khả năng cung cấp. Các bệnh truyền nhiễm vẫn gây ra tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển, và người nghèo là đối tượng gánh chịu chủ yếu. Gần 1 tỷ người ở các nước đang phát triển không được dùng nước sạch, và 1,7 tỷ người không được hưởng chăm sóc y tế 10. Kinh nghiệm thực tế ở nhiều nước đang phát triển trong những năm qua cho thấy rằng những biện pháp can thiệp y tế công cộng truyền thống của nhà nước, như là tiêm chủng và cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, đặc biệt là tử vong ở trẻ sơ sinh. Đối với lĩnh vực giáo dục, việc nhà nước ở nhiều quốc gia đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục cơ sở đã đem lại những tác động ngoại lai to lớn cho xã hội. Nhiều nhà phân tích cho rằng phần lớn sự thành công về kinh tế của các nước Đông Á là nhờ sự cam kết không do dự của các nước này trong việc đầu tư công cộng cho giáo dục cơ sở, coi đây là hòn đá tảng của công cuộc phát triển kinh tế.
Một vai trò đặc biệt quan trọng khác của nhà nước đó là trong nền kinh tế thị trường, nhà nước là người cung cấp các khuôn khổ thể chế pháp luật và chính sách để điều hành nền kinh tế và đảm bảo cho các luật lệ và trật tự được tôn trọng bởi các chủ thể trong nền kinh tế xã hội. Nhà nước xác lập một nền pháp trị mang tính hỗ trợ đối với các thể chế thị trường và bảo hộ quyền sở hữu, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và thúc đẩy cạnh tranh để khuyến khích đổi mới và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Có thể nói, khi không có các nguyên tắc cơ bản của trật tự xã hội với các thể chế làm trụ cột thì các thị trường không thể hoạt động được.
b) Độc quyền
Các nhà kinh tế học coi độc quyền là một thất bại thị trường bởi khi các doanh nghiệp không bị cạnh tranh, họ có thể hạn chế sản lượng ít hơn và tăng giá bán hàng hóa cao hơn mức sản lượng và giá tối ưu, giảm chất lượng sản phẩm và thu lợi nhuận độc quyền cao, gây tổn thất hiệu quả đối với nền kinh tế. Độc quyền được hình thành bởi nhiều con đường khác nhau, nhưng phổ biến nhất là độc quyền tự nhiên, thường xuất hiện trong các ngành đòi
hỏi chi phí cố định lớn, do đó, khi quy mô sản xuất hay sản lượng càng lớn, doanh nghiệp khai thác được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, sẽ làm giảm giá thành sản phẩm. Có thể nói, độc quyền tự nhiên tồn tại như một hiện tượng khách quan, do những đặc điểm nhất định của thị trường hay do những yếu tố về kỹ thuật, công nghệ của bản thân ngành sản xuất, như ngành điện, nước, đường sắt v.v.
Nhà nước có thể sửa chữa thất bại này của thị trường bằng cách điều tiết các nhà độc quyền tư nhân hoặc tự đứng ra cung cấp các hàng hóa và dịch vụ. Trong trường hợp nhà nước điều tiết các doanh nghiệp bằng cách kiểm soát giá và sản lượng thì sự điều tiết và kiểm soát của nhà nước cũng chỉ phát huy tác dụng khi nhà nước có đầy đủ thông tin về các điều kiện công nghệ, kỹ thuật, lợi nhuận của doanh nghiệp v.v. nếu không sự can thiệp của nhà nước cũng bị thất bại và trong một số trường hợp còn có thể làm trầm trọng hơn thất bại của thị trường.
Trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước đứng ra cung cấp các hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp này được giả định là sẽ không khai thác sự độc quyền tự nhiên để kiếm lời mà thay vì thế, họ sẽ tối đa hóa phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều nước, các doanh nghiệp nhà nước cung ứng các tiện ích công cộng thường tính mức giá quá thấp hơn là quá cao, vì những lý do khác nhau. Việc ấn định mức giá quá thấp cũng tiềm ẩn tình trạng tổn thất hiệu quả giống như khi ấn định giá quá cao. Hơn nữa, khi nhà nước bước vào hoạt động trong một khu vực nào đó, nhà nước sẽ ban hành các luật lệ và quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và để biện minh cho sự can thiệp mình trong khu vực đó. Điều này làm cho khu vực tư nhân rất khó, thậm chí là không thể, phát triển trong khu vực này, và do đó, không tạo ra được bất kỳ sự lựa chọn nào khác bên cạnh các hoạt động của chính phủ. Nói cách khác, sự can thiệp của chính phủ lại thường tạo ra các doanh nghiệp độc quyền của nhà nước, lấn át hoạt động của tư nhân trong khu vực này. Các doanh nghiệp độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực như điện lực, viễn thông, giao thông vận tải, chi trả lương hưu, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, và trong một số hoạt động khác, đã ngăn cản khu vực tư nhân ở nhiều
quốc gia phát triển, do đó đã không tạo ra được những sự lựa chọn thay thế hiệu quả cho khu vực nhà nước. Sự xâm nhập của nhà nước vào các khu vực này đã ngăn cản sự phát triển của khu vực tư nhân.
c) Ngoại ứng
Ngoại ứng là một loại thất bại khác của thị trường, đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước. Ngoại ứng xảy ra khi mà các hành động của một người hoặc một hãng làm thiệt hại hoặc làm lợi đối với những người khác mà người đó hoặc hãng đó không trả hoặc nhận được khoản đền bù. Nói cách khác, khi ngoại ứng tồn tại, kể cả ngoại ứng tích cực hay tiêu cực, thì các lợi ích, chi phí của xã hội không được thể hiện và phản ánh đầy đủ trong các mức giá thị trường. Giá cả, tín hiệu thị trường, khi đó sẽ bị phản ánh sai lệch, gây ra tổn thất hiệu quả, và xã hội sẽ không sản xuất hàng hóa tại mức sản lượng tiềm năng.
Nhà nước có thể can thiệp để sửa chữa thất bại này của thị trường, hiệu chỉnh những ngoại ứng tiêu cực và khuyến khích các ngoại ứng tích cực thông qua điều tiết, đánh thuế hay trợ cấp, hoặc cung cấp hoàn toàn. Đối với những lĩnh vực mang lại ngoại ứng tích cực, có tác động lan toả trên phạm vi toàn xã hội như giáo dục cơ sở, các chương trình tiêm chủng hay việc nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới, nhà nước thường đứng ra đảm nhiệm việc cung cấp toàn bộ hoặc trợ cấp phát triển nhằm khuyến khích các ngoại ứng tích cực này. Trong khi đó, đối với các ngoại ứng tiêu cực như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, nhà nước thường ban hành các quy định kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm hay ấn định các mức thuế hoặc các khoản bồi thường đối với các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để xây dựng được một giải pháp chính sách tối ưu là một công việc khó khăn, vì nó đòi hỏi phải có đẩy đủ thông tin, đòi hỏi phải kết hợp các phân tích về khoa học, kinh tế và trong nhiều trường hợp phải đối đầu với các áp lực chính trị nặng nề.
Thông tin không đầy đủ là một trong các nguyên nhân gây ra tổn thất hiệu quả trong kinh tế thị trường vì trước hết, khi không có đủ thông tin, thị trường không còn là cạnh tranh hoàn hảo. Mặt khác, việc thiếu hụt thông tin gây ra những quyết định không chính xác từ phía các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Do đó, sản lượng cân bằng trên thị trường không phải là sản lượng hiệu quả. Thông tin không đầy đủ về phía người tiêu dùng có thể dẫn đến việc đánh giá thấp một cách có hệ thống đối với một số dịch vụ, như phổ cập giáo dục và phòng bệnh. Sự không cân xứng về thông tin, khi mà các nhà cung ứng biết nhiều hơn người tiêu dùng hoặc ngược lại, như trong thị trường hàng hóa công nghệ cao, thị trường đồ cũ, việc kiểm định chất lượng là rất khó khăn, có thể dẫn đến cầu quá đáng, hoặc đối với việc cung cấp các dịch vụ y tế, cầu lại có thể do chính các nhà cung ứng gây ra. Trong những trường hợp này, nhà nước có thể can thiệp bằng cách ban hành các quy định, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường phải cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, hoặc nhà nước có thể tự mình đứng ra cung cấp các thông tin cần bổ khuyết.
e) Thị trường không hoàn thiện
Thị trường không hoàn thiện là dạng thị trường mà ở đó các giao dịch có thể không diễn ra được ngay cả khi mức giá mà người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn chi phí trung bình để sản xuất ra hàng hóa. Nguyên nhân của loại thất bại thị trường này có thể do chi phí giao dịch quá cao, khiến hàng hóa không mua bán được trên thị trường. Trường hợp này thường xảy ra trong các thị trường bảo hiểm hay thị trường vốn. Một nguyên nhân khác là do sự xuất hiện không đồng bộ của các thị trường. Có thể lấy ví dụ về thị trường chuyển giao công nghệ: ở một số nước đang phát triển, thị trường chuyển giao công nghệ phát triển chậm hoặc thậm chí chưa xuất hiện là do thiếu vắng một số thị trường phụ trợ như thị trường vốn, do sự thiếu hụt về thông tin khiến cho cung và cầu không gặp được nhau và do thiếu một khuôn khổ pháp luật hỗ trợ. Trong trường hợp này, nhà nước phải xây dựng những chiến lược cụ thể,
quy hoạch phát triển, tạo điều kiện cho các thị trường có thể hoạt động và hoạt động hiệu quả.
Các thất bại của thị trường xuất phát từ chính thị trường nên bản thân thị trường không thể tự sửa chữa được các thất bại này mà phải cần đến vai trò của nhà nước. Như chúng ta thấy, nhà nước có thể giáo dục người tiêu dùng, điều chỉnh hành vi của những kẻ gây ô nhiễm, giải tán các công ty độc quyền, trợ cấp cho các chương trình tái thiết hay các chương trình đào tạo lại, và cung cấp các hàng hóa công cộng như quốc phòng an ninh và hệ thống luật pháp. Một khi chúng ta xem xét đến tất cả những hàng hóa và dịch vụ mà chỉ có nhà nước mới có thể cung cấp hoặc cung cấp hiệu quả, thì chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng nhà nước đóng một vai trò quan trọng, và không thể thay thế trong nền kinh tế xã hội.