hội nhập kinh tế quốc tế
Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tăng đầu tư cho phát triển lao động lành nghề, mở rộng mạng lưới các trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp, nâng cao chất lượng các khóa đào tạo kỹ thuật, quản lý kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để làm được điều đó, một yêu cầu đặt ra là Nhà nước cần từng bước cải cách hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay, tăng cường đầu tư, huy động mọi tiềm lực, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học từ cấp tiểu học đến bậc đại học và sau đại học nhằm tạo ra và phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo của người học trong học tập và nghiên cứu khoa học. Có cơ chế định hướng giúp người học lựa chọn các lĩnh vực, ngành nghề phù
hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội, nhằm khắc phục chủ nghĩa hình thức, tình trạng chạy theo bằng cấp, hư danh, mà không chú ý đến chất lượng đào tạo, gây mất cân bằng về cung cầu lao động cho nền kinh tế. Cần tạo điều kiện và hướng tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên tiếp cận với các thành tựu công nghệ thông tin, viễn thông, với Internet, nhằm khai thác hiệu quả hệ thống mạng thông tin toàn cầu, đồng thời giúp họ hình thành bản lĩnh và khả năng sàng lọc trước những luồng văn hóa, thông tin nhiều chiều trong thời đại mạng ngày nay; Khẩn trương đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhà quản lý, nhà kinh doanh, công nhân kỹ thuật lành nghề, có trình độ ngang tầm trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của quá trình hội nhập hiện nay, đó là: thông thạo kỹ năng nghiệp vụ, có khả năng vận hành, sử dụng các máy móc, công nghệ, kỹ thuật hiện đại, có đầu óc, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, am hiểu luật pháp của Việt Nam và các thông lệ quốc tế, thành thạo trong đàm phán, giao tiếp với các đối tác nước ngoài… và đặc biệt là phải có phẩm chất đạo đức, có ý thức tự tôn dân tộc để xây dựng đất nước, để đương đầu và vượt qua những thách thức khi hội nhập. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách thiết thực hơn nữa nhằm phát hiện, nuôi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài, đồng thời tạo điều kiện làm việc, chế độ ưu đãi xứng đáng để họ có thể phát huy hết năng lực của mình, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cụ thể, Nhà nước cần có cơ chế và quy chế đãi ngộ thưởng phạt công minh rõ ràng, kịp thời nhất là đối với cán bộ của bộ máy nhà nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính, kinh tế đối ngoại. Cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo cho người lao động được sống bằng nghề, có điều kiện nâng cao trình độ, yên tâm công tác. Tăng ngân sách nhà nước cho đào tạo nghề, xã hội hoá công tác giáo dục, đào tạo nghề, đưa những người giỏi đi đào tạo ở những nước phát triển. Tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức khoa học, doanh nghiệp và cá nhân được hoạt động khoa học, từ đó xây đựng lại thị trường khoa học công nghệ.