Trong giai đoạn 1986-1988, chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam còn mang nặng dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và dựa trên nguyên tắc “Nhà nước giữ độc quyền ngoại thương và các quan hệ kinh tế khác với nước ngoài” (Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, điều 21). Theo đó, các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu không được quyền chủ động trong các hoạt động xuất nhập khẩu và chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh, chủ yếu là các Tổng công ty xuất nhập khẩu mới được tiến hành các hoạt động này. Tất cả mọi hoạt động ngoại thương đều được thực hiện theo kế hoạch và chịu sự quản lý tập trung của Bộ Ngoại thương.
Trong giai đoạn 1989-2000, việc hạn chế thương quyền được nới lỏng dần, song cho đến trước năm 1998, thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, còn bị hạn chế xuất nhập khẩu trong một số lĩnh vực thương mại. Từ năm 1998, nghị định số 57/1998/NĐ-CP đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương quyền, theo đó, tất cả các doanh nghiệp trong nước xuất nhập khẩu hàng hóa được đăng ký trong giấy phép kinh doanh mà không cần giấy phép xuất nhập khẩu, ngoại trừ bốn nhóm hàng đặc biệt, sau khi đã đăng ký mã hàng hoá tại Tổng cục Hải quan. Trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã tăng từ 2400 vào đầu năm 1998 lên 10000 trong tháng 11 năm 2000, trong đó có 4500 doanh nghiệp nhà nước và 5500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Năm 2001, quyết định 46/2001/QĐ-Ttg đã công bố kế hoạch quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2005, đồng thời cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được phép xuất khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề, ngành hàng đăng ký.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động xuất nhập khẩu được điều tiết bởi Luật Đầu tư nước ngoài. Trước năm 1998, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, kể cả xí nghiệp liên doanh phải cam kết xuất khẩu theo một tỷ lệ nhất định sản phẩm của mình theo giấy phép đầu tư (năm 1998, tỷ lệ này là 80%). Từ năm 1998, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng được khuyến khích xuất khẩu hàng hóa không phải là sản phẩm của mình, ngoại trừ một số hàng hóa đặc biệt. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu, chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chỉ được phép nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất chế biến.
Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2005, có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Điểm mới rất quan trọng là Luật đã cam kết mở cửa thị trường đầu tư phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời khẳng định việc loại bỏ các rào cản về đầu tư liên quan đến thương mại (thực hiện Hiệp định TRISs của WTO). Ví dụ, theo Luật này, các nhà đầu tư không bị bắt buộc phải thực hiện các yêu cầu như: ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua hàng hóa, dịch vụ từ sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhất định trong nước; xuất khẩu hàng hóa hoặc xuất khẩu dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; đạt được tỷ lệ nội địa hóa nhất định trong hàng hóa sản xuất; đạt được một mức độ nhất định hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước; cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài.
Như vậy, chính sách thương quyền của Việt Nam đã từng bước nới lỏng điều kiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là từ năm 1998. Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khá tự do xuất nhập khẩu theo mọi
ngành nghề. Đây là sự “cởi trói” cơ bản trong cơ chế quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của nhà nước và đã góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.