Xác định chưa rành mạch tương quan giữa vai trò của Nhà

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 102)

nước và thị trường trong nền kinh tế

Vấn đề tổng quát đặt ra đối với vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế hiện nay đó là chúng ta còn thiếu tư duy đổi mới về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, chưa xác định được rành mạch tương quan giữa nhà nước và thị trường trong việc phân bổ nguồn lực và điều tiết nền kinh tế, chưa phân định rõ vai trò “Nhà nước là chủ thể quản lý kinh tế” và vai trò “Nhà nước là một nhà đầu tư phát triển”, nhất là vai trò của nhà đầu tư phát triển “chủ đạo” trong nền kinh tế. Kết quả là hiện nay, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế còn đang chịu sự can thiệp, chi phối quá sâu của Nhà nước. Nhà nước vẫn trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh, can thiệp bất hợp lý vào nhiều hoạt động kinh tế. Trong khi đó, một số lĩnh vực khác rất cần có bàn tay quản lý và điều tiết hiệu quả của Nhà nước thì lại chưa đáp ứng được như yêu cầu đặt ra.

Sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quá trình vận hành của nền kinh thị trường được thể hiện qua sự hiện diện rộng khắp của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng thể nền kinh tế. Nhà nước không chỉ đảm nhiệm công việc quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế, mà còn can thiệp trực tiếp vào cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, chính sách đầu tư của Nhà nước lại chưa hợp lý. Thông qua việc duy trì và hỗ trợ mạnh một số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước còn trực tiếp đầu tư quá nhiều vào sản xuất kinh doanh, kể cả vào các lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể làm được và làm với chi phí thấp hơn.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước vẫn nhận được sự bảo hộ cao từ phía nhà nước, chiếm tới gần 80% tổng nguồn vốn đầu tư xã hội, trong khi chỉ tạo ra gần 10% tổng số việc làm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh có lãi hiện nay là 79,4%, hoà vốn chiếm 5,4% và thua lỗ là 15,2%. Kết quả trên cho thấy, cộng đồng các doanh nghiệp nhà nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu ổn định và phát triển bền vững, trong đó có tính đến mục tiêu tích tụ vốn, mở rộng sản xuất, chủ động làm chủ thị trường và sẵn sàng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước vẫn là những khách hàng chính của các ngân hàng, đặc biệt là các Ngân hàng Thương mại Quốc doanh, và các giao dịch cho vay vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quyết định của cơ quan chính quyền. Tỷ trọng tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng từ 55%-57% tổng tín dụng từ các Ngân hàng Thương mại Quốc doanh trong giai đoạn 1996-1998. Các doanh nghiệp nhà nước có khả năng vay dễ dàng mà không cần thế chấp và nhận tín dụng theo các chỉ thị của Chính phủ mà không tính đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hậu quả là các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước đối với hệ thống Ngân hàng Thương mại Quốc doanh ngày càng gia tăng và trở nên đáng lo ngại. Trong giai đoạn 1992-1998, tỷ lệ nợ quá hạn so với tổng dư nợ giảm từ 13,7% năm 1992 xuống 8,9% năm 1995 và tăng lên 12% năm 1998 và đến cuối năm 2000, tỷ lệ này vào khoảng 10%. Tỷ trọng nợ

quá hạn, khó đòi đối với vốn tự có đã tăng mạnh đều từ 109% năm 1992 đến 128% năm 1996 và 136% năm 1998.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân năng động, là động lực phát triển kinh tế đã thu hút nhiều việc làm cho xã hội trên thực tế vẫn còn bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận đến các yếu tố sản xuất. Các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp này thường bị yêu cầu phải có tài sản thế chấp cho khoản vay của mình, đồng thời phải trả lãi suất tiền vay cao hơn so với các doanh nghiệp nhà nước. Việc thiếu khả năng tiếp cận với tín dụng có một số ảnh hưởng tiêu cực đối với các doanh nghiệp tư nhân, từ việc không có khả năng thành lập hoặc mở rộng doanh nghiệp của mình đến việc phải sử dụng công nghệ cũ kỹ và các cơ sở vật chất sản xuất thiếu thốn do thiếu vốn, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua chưa tập trung khai thác và phát triển mạnh nhiều ngành và lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế và có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Đầu tư của Nhà nước bị dàn trải và sa đà vào nhiều ngành và lĩnh vực không đưa lại hiệu quả kinh tế như đường mía, xi măng, thép, than. Đây là những hàng hóa tư nhân thông thường, hoàn toàn có thể thương mại hóa và cung cấp hiệu quả bởi khu vực tư nhân. Do đó, việc Nhà nước đầu tư vào khu vực này là “trùng lắp”, “chèn lấn” với đầu tư tư nhân. Các chính sách thương mại và đầu tư hiện nay chủ yếu vẫn tạo điều kiện phát triển các ngành sử dụng nhiều vốn, ít hiệu quả, dựa vào sự bảo hộ cao, không phù hợp với thực tiến nước ta với lực lượng lao động dồi dào, hiện còn thiếu nhiều việc làm, dó đó hạn chế sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đối với đầu tư nước ngoài, ưu tiên chính sách cũng thường dành cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực thay thế nhập khẩu và dịch vụ, tạo ra một môi trường khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm và nhận được sự bảo hộ của nhà nước để đảm bảo đầu tư kinh doanh có lãi siêu ngạch. Đối với đầu tư trong nước, việc bảo hộ thường dành cho các dự án và phát triển khu vực kinh tế nhà nước. Đường và xi măng là những ví dụ cho thấy việc bảo hộ gắn

liền với sự đầu tư lớn của chính phủ. Trong khi đó, phát triển khu vực dân doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được quan tâm đúng mức.

Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, chính phủ đã có những biện pháp khuyến khích sự tham gia của tư nhân, bao gồm những nghị định khác nhau cho phép và khuyến khích các dự án BOT. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn, trong đó có các biện pháp kiểm soát giá cả làm cho các dự án kết cấu hạ tầng trở nên không có lãi, sự thiếu vắng một khung pháp lý phù hợp, sự quan liêu thái quá và những cuộc đàm phán kéo dài, thể chế quy định yếu kém và thiếu một quy trình đấu thầu minh bạch 22. Bên cạnh đó, trong nhiều công trình hiện nay, đầu tư Nhà nước vẫn chèn lấn đầu tư của khu vực tư nhân, trong khi chất lượng và hiệu quả của các công trình này không cao, đồng thời là môi trường thuận lợi cho tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí các nguồn lực xã hội.

Một phần của tài liệu Vai trò kinh tế của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.PDF (Trang 102)