Đất có thể bị bạc màu, nhiễm bẩn và mất khả năng canh tác do những tập quán mất vệ sinh của con người, do hoạt động nông nghiệp với những phương thức canh tác khác nhau và do cách xả chất thải rắn và lỏng không hợp lý vào đất gây nên. Ô nhiễm đất còn do lũ lụt gây xói mòn, do các chất gây ô nhiễm không khí lắng đọng lại trên mặt đất. Ô nhiễm môi trường đất còn liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện chất thải cuối cùng trong quá trình tái tuần hoàn tự nhiên, các chất cặn bùn thải... Nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường đất bao gồm:
a. Các hoạt động nông nghiệp
Chế độ canh tác nguyên thuỷ lạc hậu với việc đốt phá rừng, làm nương rẫy du canh, trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức lạc hậu trên vùng đất dốc đã gây không ít tai hại cho việc tàn phá đất đai. Với lượng mưa hàng năm rất lớn, tập trung vào một số tháng, lũ lụt làm xói mòn cuốn trôi phù sa của một diện tích lớn vùng đồi núi.
Việc xây dựng hệ thống tưới tiêu nước không hợp lý ở vùng đồng bằng gây ra hiện tượng thoái hoá môi trường, tạo nên một vùng đất phèn. Hiện tượng hoá phèn của đất có thể do một số nguyên nhân như khi tiêu nước triệt để, lớp đất hữu cơ che phủ bị gạt bỏ, đất được phơi ra ánh sáng, các hợp chất lưu huỳnh có sẵn ở đây bị oxy hoá tạo thành H2SO4. Axít này kết hợp với sắt và nhôm có sẵn trong keo đất tạo thành sulfat sắt hoặc sulfat nhôm. Đất phèn có độ pH rất thấp, khó canh tác. Vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng một triệu ha đất phèn trở thành vùng đất phèn nổi tiếng.
Sử dụng các loại phân hoá học không đúng quy cách cũng như việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng góp phần làm nhiễm bẩn đất. Việc sử dụng phân hoá học quá nhiều dẫn đến đất bị chua phèn. Đất chua làm ảnh hưởng tới trạng thái sinh lý
---
cây trồng và hiệu qua sử dụng phân hoá học. Các hợp chất bền vững của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là chất độc, lưu lại trong đất thời gian lâu dài có thể làm đất bị nhiễm độc, cản trở các hoạt động sinh hoá bình thường trong đất.
b. Các hoạt động công nghiệp
Các hoạt động công nghiệp xả vào môi trường đất một lượng lớn các chất thải của chúng qua các ống khói, bãi tập trung rác, cống thoát nước... các chất thải này rơi xuống đất làm thay đổi thành phần của đất, pH, quá trình nitơrat hoá... Hệ sinh vật trong đất sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại chất thải này.
Quá trình khai khoáng gây ô nhiễm và suy thoái môi trường đất ở mức độ nghiêm trọng nhất. Do khai mỏ, một lượng lớn phế thải, quặng... từ lòng đất đưa lên trên bề mặt. Mặt khác thảm thực vật trong khu vực khai khoáng bị huỷ diệt, đất có thể bị xói mòn. Một lượng lớn chất thải, xỉ quặng theo khói bụi bay vào không khí rồi lắng đọng xuống có thể làm nhiễm bẩn đất ở quy mô rộng hơn.
Các loại chất thải rắn được tạo nên từ hầu hết các khâu công nghệ sản xuất và trong quá tiêu dùng sản phẩm.
Các loại chất thải công nghiệp tập trung từ nhà máy, xí bằng cách này hay cách khác quay trở lại môi trường đất. Theo đặc tính lý hoá, các chất thải rắn công nghiệp gây nhiễm bẩn đất được chia thành 4 nhóm sau đây:
- Chất thải vô cơ từ các nhà máy, xí nghiệp mạ điện, thuỷ tinh, công nghiệp giấy, cặn xỉ các trạm xử lý nước...
- Chất thải khó phân huỷ như dầu mỡ trong nước, sợi nhân tạo, chất thải công nghiệp da...
- Chất thải dễ cháy từ các nhà máy lọc dầu, sửa chữa xe máy, sản xuất máy lạnh, thực phẩm...
- Chất thải đặc biệt độc hại bao gồm các chất thải tác động mạnh, chất thải đồng vị phóng xạ...
Đặc điểm của chất thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất là đa dạng về thành phần và kích thước, không tập trung, đa nguồn gốc… Vì vậy việc chọn phương pháp xử lý chúng cũng rất phức tạp.
Ngoài tác động trực tiếp, các hoạt động công nghiệp còn gây ô nhiễm gián tiếp đến môi trường đất. Việc xả các khí độc H2S, SO2… từ các ống khói nhà máy xí nghiệp là nguyên nhân gây hiện tượng mưa a xít, làm chua đất, kìm hãm sự phát triển của thảm thực vật…
---
Các hoạt động xây dựng công nghiệp như xây dựng bến bãi, cầu đường, nhà máy… sẽ phá huỷ thảm thực vật và cảnh quan khu vực, làm thay đổi địa hình, cản trở dòng chảy, tạo điều kiện xói mòn đất….
d. Sinh hoạt của con người
Đất thường dùng làm chỗ tiếp nhận rác, phân và các chất thải rắn khác trong quá trình sinh hoạt. Hàng ngày con người xả một lượng lớn các chất thải sinh hoạt rắn vào môi trường. Sau đó theo các con đường khác nhau như vận chuyển rác thải, hệ thống thoát nước… Các chất thải này sẽ tập trung trong đất.
Lượng chất thải rắn xả vào môi trường theo hệ thống thoát nước tính theo hàm lượng chất lơ lửng là 65 ÷ 100g/người/ngày đêm. Lượng rác thu gom từ các nhà ở, công trình công cộng, đường phố…, phụ thuộc vào đặc điểm thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp, tình hình xây dựng tính trung bình là 0,2 ÷ 3 kg/người/ngày, tỷ trọng của rác thải đô thị là 0,4 đến 0,5 tấn/m3.. Thành phần rác và chất thải rắn sinh hoạt thay đổi theo mùa, mật độ dân cư, mức sống, tôn giáo, vùng, trình độ công nghệ ...
Trong rác, phân và chất thải sinh hoạt đô thị có hàm lượng chất hữu cơ lớn, độ ẩm cao. Đó là môi trường cho các loại vi khuẩn, trong đó có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Chất thải rắn bệnh viện là một dạng của chất thải rắn đô thị nhưng mức độ nguy hại cao hơn rất nhiều. Thành phần gồm các loại rác thải sinh hoạt, bệnh phẩm, chất thải rắn y tế (saranh, kim tiêm, túi nilon…). Các loại bệnh phẩm, bông băng và các loại chất thải y tế khác là nguồn chứa các loại vi khuẩn gây bệnh, dễ gây ô nhiễm lan truyền và khó xử lý. Khối lượng chất thải rắn bệnh viện khoảng 1 ÷ 1,2 kg/giường bệnh/ngày đêm.