Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu bài giảng môi trường xây dựng giao thông (Trang 33 - 35)

Khái niệm phát triển được hiểu theo nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào đối tượng, mục tiêu và động lực đi lên của một sự vật, hiện tượng.

Trong quá trình tiến hoá của sinh giới, phát triển được hiều như sự thay đổi để thích ứng với điều kiện sống và bảo tồn, duy trì những đặc điểm có lợi cho các thế hệ sau. Có thể xem quá trình tiến hoá của sinh giới trên Trái đất là quá trình phát triển theo hướng có lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loài sinh vật trên hành tinh của chúng ta.

Đối với con người, phát triển là một xu hướng tự nhiên đồng thời là quyền của mỗi một cá nhân, mỗi một cộng đồng hay mỗi một quốc gia. Con người vừa là đối tượng, vừa là động lực của phát triển. Mục tiêu của sự phát triển của con người là không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất, văn hoá, tinh thần của con người. Quá trình phát triển tạo điều kiện cho con người sinh sống bất kỳ nơi đâu trên Trái đất với điều kiện môi trường sống trong lành, được hưởng các quyền cơ bản của con người, được đảm bảo an ninh, an toàn, được hưởng những hàng hoá và dịch vụ tốt nhất và được hưởng các thành tựu về văn hoá, tinh thần... đồng thời bảo tồn những gì cho thế hệ sau tồn tại và phát triển.

---

Vậy giữa vấn đề phát triển và môi trường có liên quan như thế nào? Mối quan hệ giữa chúng trong xã hội hiện đại của loài người? Chúng ta hãy xem xét vấn đề ở giác độ phát triển của xã hội đương đại.

Trong lịch sử phát triển của các quốc gia, đặc biệt là sau cuộc cách mạng công nghiệp, phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, lấn át các yếu tố khác của quá trình phát triển chung như xã hội, văn hoá, môi trường, nhân quyền… Chính vì vậy, phát triển tự phát đã trở nên thịnh hành, gây ra những hậu quả hết sức tai hại cho xã hội loài người và môi trường sinh thái.

Trong thế kỷ 21, khi mà cuộc chạy đua phát triển của các quốc gia, giữa các khu vực kinh tế trên thế giới đang diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt thì khuynh hướng phát triển bằng mọi giá vẫn được các nước có nền kinh tế kém phát triển áp dụng. Và chính họ đã hy sinh các vấn đề môi trường và các yếu tố khác cho phát triển kinh tế. Hậu quả của sự phát triển kinh tế nóng là môi trường bị suy thoái, cơ sở của sự phát triển bị thu hẹp, tài nguyên thiên nhiên bị giảm sút cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, dân số của các nước kém phát triển lại tăng lên rất nhanh, điều này chính là nguyên nhân gây nên sự nghèo đói của con người, phá vỡ cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường và khai thác cạn kiệt tài nguyên. Đây là tấm thảm kịch về sự ô nhiễm do nghèo đói ở các nước kém phát triển, tiêu biểu là một số nước châu Phi như Xômali, Êtiopia, Uganda...

Ở các nước phát triển, khuynh hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã và đang được ưu tiên trong quá trình phát triển. Khuynh hướng này chủ trương không can thiệp vào các nguồn tài nguyên sinh học để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên là cơ sở, là đầu vào của hệ thống kinh tế đối với các quốc gia, là nguồn vốn cơ bản cho mọi hoạt động phát triển của con người. Do vậy, ở các nước này, các quan điểm trên khó lòng thực hiện được nếu không sử dụng tài nguyên cho các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hậu quả của quá trình khai thác và lạm dụng tài nguyên quá mức để phục vụ cho quá trình phát triển trước đây đã và đang tác động mạnh mẽ theo hướng tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội - con người bắt buộc các quốc gia này phải đầu tư vào công tác bảo tồn, khôi phục lại các hệ sinh thái trước đây.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đòi hỏi phải được cung cấp tài nguyên. Do vậy, các quốc gia này tìm đến các khu vực còn giàu có tài nguyên để đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, hệ quả của quá trình này lại quay trở lại làm cho các nước nghèo đói cạn kiệt tài nguyên và đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Có thể nói, các vấn đề cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường của các nước kém hoặc đang phát triển một phần bắt nguồn từ các nước phát triển.

---

Có thể thấy phát triển và môi trường là hai mặt của một vấn đề thống nhất chứ không mâu thuẫn với nhau. Nếu phát triển mà không chú trọng đến vấn đề môi trường thì sẽ gây nên tình trạng cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường do khai thác quá mức và ô nhiễm, các tác động đến con người và hệ sinh thái. Còn nếu chỉ đặt mục tiêu bảo tồn tài nguyên và các hệ sinh thái thì đi ngược lại với quy luật phát triển của loài người và sinh giới. Do đó, không thể đưa ra vấn đề chú trọng “phát triển” hay chú trọng “môi trường mà phải đưa ra quan điểm “môi trường và phát triển”. Hai vấn đề này tồn tại song song, bổ trợ cho nhau, không hy sinh vấn đề này để đẩy mạnh vấn đề kia. Hay nói một cách khác, các quốc gia trên thế giới cần phải đạt được mục tiêu

“phát triển bền vững”.

Một phần của tài liệu bài giảng môi trường xây dựng giao thông (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)