Trong quá trình xây dựng và khai thác công trình cầu vượt sông, vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường là trách nhiệm của người thiết kế và những người xây dựng. ở góc độ bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cầu cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đảm bảo việc xây dựng kết cấu hạ tầng của cầu cắt ngang dòng nước gây nhiễu loạn ít nhất đến môi trường tiếp nhận và đặc biệt là nơi cư trú của các loài thuỷ sinh;
- Đảm bảo đáy sông và bờ sông được bảo vệ chống xói mòn để hạn chế tối đa sự đảo lộn địa bàn tự nhiên của các loài thuỷ sinh;
- Tránh xây dựng công trình vào mùa mưa lũ, mùa cá đẻ, mùa di cư của cá vì vào những thời điểm này môi trường dễ bị tổn thương nhất;
- Việc thiết kế thi công phải đảm bảo sao cho không tạo thành hồ, không gây ngập lụt cho các vùng lân cận, không tạo thác hoặc độ chênh cao không quá lớn. Bên cạnh đó phải tránh luồng di cư của cá vì vậy phải tính đến lưu lượng mùa nước;
- Điểm vượt dòng nước phải bố trí ở những nơi có bờ ổn định, dòng nước hẹp và ưu tiên chọn về phía hạ lưu so với bãi cá đẻ và các chỗ gây cá giống. Phải hạn chế tối đa số lượng điểm vượt dòng và tránh các di tích lịch sử hay khảo cổ.
Để đạt được các yêu cầu trên, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm điển hình cho một dự án xây dựng công trình vượt dòng nước bao gồm:
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của máy thi công
- Không sử dụng các loại máy thi công trong phạm vi mặt cắt ngang của dòng nước; - Không cho máy móc thi công chạy trong khoảng cách 20m tính từ đường mép nước để giảm thiểu việc gây nhiễu loạn cho các bờ sông và bảo vệ môi trường nước;
---
- Khi dọn quang các bờ sông không ổn định và có nguy cơ xói mòn thì nên dùng máy điều khiển bằng tay, không nên dùng máy có trọng lượng lớn.
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình dọn cây, phát quang và nạo lớp đất trên mặt
- Việc phá cây, dọn quang và nạo lớp đất trên mặt phải làm ngay trước lúc bắt đầu thi công để hạn chế thời gian phơi đất tránh xói mòn. Các công việc này phải làm ngoài mùa mưa lũ;
- Khi hạ cây phải tránh không cho cây đổ xuống nước. Nếu bị đổ xuống thì phải vớt lên ngay, không kéo lê cây cối trên các dốc đứng gần dòng nước;
- Các mảnh vụn khi chặt cây và đất phải gom ở bên ngoài bãi bồi. Các vật liệu khi nạo ở mặt đất phải gom ở một chỗ, nơi mà mưa lớn và nước thoát tự nhiên không tạo thành hồ hoặc xói mòn vật liệu rồi mang các hạt trầm tích trôi xuống dòng nước. Khi đốt cành cây và vụn cây nên thu lại thành đống để tro than không trôi xuống dòng nước (khoảng cách tới mép nước phải trên 60m);
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình đào đất
- Công việc đào đất để xây mố và móng cầu, phải ngăn bằng đê quai để cách ly với vùng thi công;
- Ở gần khu vực nhạy cảm và khi điều kiện cho phép (tính chất của nền), dùng cọc ván thép tốt hơn là đắp nên đất hay nền đá;
- Khi cần bơm hút nước bên trong đê quai phải xả nước vào vùng có cây cỏ để giữ lại các trầm tích trước khi nước chảy về dòng sông;
- Trong khả năng cho phép, các chất thải hữu cơ và đất canh tác bị đào ra khi thi công bờ sông phải gom lại để sau này dùng phủ lại lớp mặt;
- Không được đào vật liệu hạt ở lòng sông và bãi sông để đắp nền làm đê quai.
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường do quá trình nổ mìn dưới nước
- Hạn chế nổ mìn dưới nước. Nên nổ mìn trên một khoảng diện tích khô quây bằng một đê quai;
- Để bảo vệ môi trường thuỷ sinh khi nổ mìn cần có một số biện pháp nhằm hạn chế tác động: Giới hạn áp lực của nguồn nổ, tránh thời kỳ quan trọng đối với cuộc sống của cá.
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình đê quai, đê và
---
- Khi xây dựng cầu, cống nên cách ly vùng xây dựng khỏi dòng nước để thi công khô và tránh làm vẩn đục dòng nước. Có hai cách tạo mặt bằng để thi công khô:
+ Đê quai không có công trình tái dòng; + Lái dòng tạm thời dằng một con kênh;
- Ưu tiên dùng đê quai không lái dòng trong việc thi công trụ cầu và mố cầu. - Việc chuyển dòng tạm thời bằng một con kênh được áp dụng cho việc xây dựng tất cả các loại công trình qua dòng nước khi địa hình thuận lợi và dòng nước không lớn lắm. Việc chuyển dòng tạm thời có nhiều ưu điểm cho việc thực hiện công việc, nó làm giảm thiểu xói mòn và trầm tích kéo theo, làm dễ dàng các công việc thi công trên cạn đảm bảo sự ổn định chỗ làm việc trước khi tháo nước trở lại và cuối cùng để loại trừ những xung đột tiềm ẩn với những người sử dụng môi trường nước. Việc chuyển dòng phải thực hiện vào mùa nước cạn và phải theo đúng các quy phạm kỹ thuật.
- Cần chú ý nếu phải tạo mặt bằng để thi công khô thì:
+ Trong mọi thời điểm mặt cắt dòng chảy không được thu hẹp trên 1/3;
+ Các vật liệu dùng để xây dựng những công trình tạm bằng đất không được chứa quá 10% hạt mịn (lọt qua vây 80 microns) bởi vì chúng dễ lơ lửng trong nước. Tuy nhiên, có thể giữ lại các vật liệu mịn bên trong đê quai bằng một màng vải lọc tự nhiên;
+ Sau khi thi công xong các công trình này phải được thu dọn triệt để để trả lại cho dòng nước tiết diện ban đầu theo mặt cắt dọc ở trạng thái tự nhiên.
* Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình làm hào lắng,
giếng vây, đào lòng sông mới
- Để giữ lại các vật trầm tích khi xây dựng có thể làm một cái hào lắng hay một cái bẫy lắng trên đường chảy tới hệ thống rãnh ven đường trước khi tiến hành thi công. Hào lắng nên đặt gần nơi xây dựng công trình để giảm chiều dài mương dẫn.
Thường xuyên điều chỉnh lưu lượng nước để tránh bồi lấp và không làm đục dòng nước tiếp nhận, thường xuyên nạo vét bùn, cát và các loại rác rưởi bị tích tụ lại trong hào.
- Giếng vây để mang bản mặt cầu khi thi công không được xâm lấn quá 1/3 chiều rộng trước đó của dòng nước. Giếng vây bằng gỗ phải cho làm kín nước tối đa và đắp bằng một vật liệu hạt to để tránh xói mòn giữa các khúc thân cây.
- Nếu việc xây dựng một cây cầu cần phải đào một lòng sông, để giảm thiểu các ảnh hưởng của nó đến môi trường nước, công việc này phải tiến hành theo các quy tắc sau:
---
+ Việc đào phải tiến hành trên cạn hoàn toàn ở bên ngoài lòng của dòng nước nhằm giảm thiểu xói mòn và do đó sẽ bớt trầm tích, dễ tiến hành các thao tác và đảm bảo sự ổn định của khu vực trước khi tháo nước vào.
+ Việc đào lòng sông phải tránh các thời kỳ nhạy cảm của động vật thuỷ sinh và các điểm nhạy cảm của hệ sinh thái thuỷ vực.
+ Ở vùng có rừng, phải chú ý đặc biệt giữ lại các cây và bụi cây ven bờ vì chúng có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của nước.
+ Ở những khu vực dễ bị xói mòn, như chỗ sông mới gặp dòng sông cũ, chỗ hợp lưu của dòng sông mới với một con suối hay một cái hào phải sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ học, như xếp đá...
+ Ở nơi hào nước đổ vào lòng sông vừa mới đào xong thì phải có những biện pháp lọc hoặc lắng đất ở thượng lưu của hào (bó rơm, bẫy lắng).
Trường hợp có cá còn mắc lại trong khúc sông cũ, số cá này phải bắt lại rồi thả vào khúc sông mới đào ở hạ lưu công trình. Việc làm này phải thực hiện dưới sự hiện diện của các đại diện của cơ quan Quản lý môi trường.
* Các biện pháp quản lý vật tư tồn dư
Các vật tư tồn dư như các chất thải rắn, chất thải lỏng cũng như các mảnh vụn khi tháo dỡ công trình và các vật liệu bỏ đi khác cần phải quản lý chặt để không gây hại cho môi trường một cách vô ích, phải tuân theo một số quy tắc:
- Trong khi thi công cấm vứt các mảnh vụn xuống lòng sông, phải có các biện pháp phòng ngừa như mắc lưới, làm sàn hấng và tất cả các biện pháp phòng ngừa khác;
- Các mảnh vụn không sử dụng trong công việc đang thi công phải đổ vào một chỗ theo quy định;
- Những chất gây độc cho các sinh vật dưới nước như là ximăng, vữa, xăng dầu khi sử dụng phải cẩn thận tránh làm rớt xuống dòng nước;
- Đổ xăng và kiểm tra máy móc phải làm cách dòng nước trên 15m; - Kho chứa các vật liệu này phải làm cách dòng nước trên 60m.
Bên cạnh các tác động môi trường đặc trưng, một dự án xây dựng cầu, cống còn có các tác động tới không khí, đất đai, tiếng ồn, rung động,… tương tự như một dự án xây dựng đường bộ, các biện pháp giảm thiểu các tác động đó cũng tương tự như trong dự án xây dựng đường bộ.
---