Các nguồn nuớc bị ô nhiễm

Một phần của tài liệu bài giảng môi trường xây dựng giao thông (Trang 48 - 50)

a. Ô nhiễm các thuỷ vực nước ngọt

Các thuỷ vực nước mặt bao gồm nước mưa, ao hồ, đồng ruộng và nước các sông suối, kênh mương. Trong đó, các sông và kênh tải nước thải, các hồ đô thị và đất trồng lúa nước là các đối tượng thường có mức độ ô nhiễm trầm trọng.

Một trong những tác động chủ yếu của nước thải lên hệ sinh thái thuỷ vực nước ngọt là làm thay đổi nồng độ ôxy trong nước. Khi xả vào sông hồ, các loại nước thải có chứa các chất hữu cơ dễ bị vi sinh vật ôxy hoá, quá trình này tiêu thụ một lượng ôxy rất lớn, làm cho hàm lượng ôxy hoà tan trong sông hồ giảm mạnh.

Do sự thiếu hụt ôxy trong nguồn nước, nhiều loài thuỷ sinh như cá, tôm, động vật nguyên sinh,... không sống được. Trong nước và trong lớp cặn lắng ở đáy sẽ diễn ra

---

quá trình phân huỷ yếm khí chất hữu cơ, giải phóng nhiều khí độc hại như H2S, CH4... gây ô nhiễm cho nguồn nước và môi trường không khí.

Các thuỷ vực gần các khu công nghiệp, các thành phố lớn và các khu vực khai thác khoáng sản thường bị ô nhiễm kim loại nặng và các hoá chất độc hại. Nguyên nhân chủ yếu do xả nước thải công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ… không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào môi trường. Các chất độc hại này tác động xấu đến các sinh vật và môi trường, tích luỹ theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể con người gây các bệnh như ung thư...

Ô nhiễm vi sinh vật nguồn nước mặt thường gặp trong các thuỷ vực tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đặc biệt là nước thải bệnh viện. Các loại vi sinh vật lan truyền trong môi trường nước, gây ra các loại dịch bệnh cho dân cư sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học sử dụng trong nông nghiệp cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm các thuỷ vực nước ngọt. Chúng lan truyền trong đất, nước và các sản phẩm nông nghiệp dưới dạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat (NO3-)... gây suy thoái chất lượng môi trường đất canh tác nông nghiệp, giảm tính đa dạng sinh học của khu vực nông thôn...

Để hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm cần phải tăng cường biện pháp xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt, quản lý tốt thực phẩm nuôi trồng trong môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm, đồng thời cải thiện tình trạng môi trường sống của dân cư, tổ chức tốt hoạt động y tế và dịch vụ công cộng...

b. Ô nhiễm nước ngầm

Nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho dân cư trên thế giới. Do vậy ô nhiễm nước ngầm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người. Các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái nước ngầm gồm:

- Các tác nhân tự nhiên như nhiễm mặn, nhiễm phèn, hàm lượng sắt, mangan và một số kim loại cao.

- Các tác nhân nhân tạo như nồng độ kim loại nặng cao, hàm lượng NO3-, NO2-, NH4+, PO43-,... vượt tiêu chuẩn cho phép, ô nhiễm bởi vi sinh vật.

Suy thoái trữ lượng nước ngầm biểu hiện bởi giảm công suất khai thác, hạ thấp mực nước ngầm, lún đất. Để hạn chế tác động ô nhiễm và suy thoái nước ngầm cần phải tiến hành đồng bộ các công tác điều tra, thăm dò trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm, xử lý nước thải và chống ô nhiễm các nguồn nước mặt, quan trắc thường xuyên trữ lượng và chất lượng nước ngầm.

---

c. Ô nhiễm biễn và đại dương

Biển và đại dương là nơi tiếp nhận phần lớn các chất thải từ lục địa theo các dòng chảy sông suối, các chất thải từ các hoạt động của con người trên biển như khai thác khoáng sản, giao thông vận tải biển. Trong nhiều năm, biển và đại dương còn là nơi đổ các chất thải phóng xạ của nhiều nước trên trế giới. Các biểu hiện của sự ô nhiễm biển và đại dương khá đa dạng, có thể chia ra thành một số dạng sau:

- Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển như: dầu, kim loại nặng, các hoá chất độc hại.

- Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm tích tụ trong trầm tích biển ven bờ. - Suy thoái các hệ sinh thái biển như san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn... - Suy giảm trữ lượng các loài sinh vật biển và giảm tính đa dạng sinh học biển. - Xuất hiện các hiện tượng như thuỷ triều đỏ, tích tụ các chất ô nhiễm trong thực phẩm lấy từ biển.

Ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới ô nhiễm biển. Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm cho lượng CO2 hoà tan trong nước biển tăng. Nhiều các chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển Trái Đất do hiệu ứng nhà kính sẽ kéo theo sự dâng cao mực nước biển và thay đổi môi trường sinh thái biển. Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nhân tạo trên, biển có thể bị ô nhiễm bởi các quá trình tự nhiên như núi lửa phun, tai biến bão lụt, sự cố rò rỉ dầu tự nhiên,...

Một phần của tài liệu bài giảng môi trường xây dựng giao thông (Trang 48 - 50)