Nguồn gây ô nhiễm không khí có thể phân thành hai loại: nguồn ô nhiễm tự nhiên và nguồn ô nhiễm nhân tạo.
---
a. Nguồn ô nhiễm tự nhiên
Các nguồn tự nhiên gây ô nhiễm môi trường không khí gồm:
- Ô nhiễm do hoạt động của núi lửa: Núi lửa phun ra những nham thạch nóng và nhiều chất ô nhiễm như tro bụi, các khí sunfua (SO2, H2S...), mêtan (CH4) và những loại khí khác. Các chất này lan toả đi rất xa và tác động mạnh mẽ đến môi trường.
- Ô nhiễm do cháy rừng: Các đám cháy rừng và đồng cỏ bởi các quá trình tự nhiên xảy ra do sấm chớp, sự cọ sát giữa thảm thực vật khô... Các đám cháy này thường lan truyền rộng, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người và phát thải nhiều khí độc hại như khói, tro bụi, hydrocacbon (HC), cacbon dioxit (CO2), cacbon monoxit (CO), sunfua dioxit (SO2) và nitơ oxit (NOx).
- Ô nhiễm do bão cát: Hiện tượng bão cát thường xảy ra ở những vùng đất khô, không được che phủ bởi thảm thực vật, đặc biệt là các sa mạc. Gió bão đã cuốn cát bụi bay lên và gây ô nhiễm không khí trong một khu vực rộng lớn.
- Ô nhiễm do đại dương: Nước biển bốc hơi và bụi nướcdo va đập từ biển mang theo bụi muối (NaCl, MgCl2, CaCl2...), lan truyền vào không khí gây ô nhiễm.
- Ô nhiễm do thực vật: Các chất ô nhiễm do thực vật sản sinh và phát tán vào không khí gây ô nhiễm như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), hydrocacbon, các bào tử nấm và thực vật, phấn hoa...
- Ô nhiễm do vi khuẩn - vi sinh vật: Trong không khí có rất nhiều vi khuẩn, vi sinhh vật bám vào các hạt bụi, sol khí được gọi là bụi vi sinh vật. Bên cạnh đó chúng còn tham gia quá trình phân huỷ các chất hữu cơ tạo ra các khí có mùi gây ô nhiễm như NH3, CO2, CH4, SO2…
- Ô nhiễm do các chất phóng xạ: Trong lòng đất có một số khoáng sản và kim loại có khả năng phóng xạ gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.
- Ô nhiễm có nguồn gốc từ vũ trụ: Trong quá trình vận động của vũ trụ có một lượng lớn các hạt vật chất nhỏ bé thâm nhập vào Trái đất gây ô nhiễm môi trường không khí được gọi là bụi vũ trụ. Nguồn gốc của loại bụi này là từ các thiên thạch, các đám mây ngũ sắc, mặt trời...
b. Nguồn ô nhiễm nhân tạo
Các nguồn nhân tạo gây ô nhiễm môi trường không khí bao gồm:
- Nguồn ô nhiễm di động từ các hoạt động giao thông vận tải bao gồm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và hàng không.
---
- Các nguồn thải cố định từ các hoạt động công nghiệp đốt nhiên liệu như than đá, dầu mỏ, khí đốt...
- Các quá trình sản xuất công nghiệp như sản xuất hoá chất, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim và khai thác mỏ...
- Các nguồn ô nhiễm khác như chất đột trong sinh hoạt của con người (củi, rơm rạ, dầu, gas...), đốt chất thải, sản xuất nông nghiệp, bốc hơi từ ô nhiễm nước mặt, xây dựng công trình, gây ra cháy rừng...
Các nguồn ô nhiễm nhân tạo lớn nhất là do quá trình đốt nhiên liệu sinh ra và thường tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp...
Hình 2.2. Các nguồn nhân tạo gây ô nhiễm môi trường không khí
Nguồn ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp: Sản xuất công nghiệp hàng ngày thải ra một lượng lớn và đa dạng các khí độc hại và bụi do đốt nhiên liệu, bốc hơi, rò rỉ, tổn hao trên dây chuyền sản xuất, trên các phương tiện dẫn tải... gây ô nhiễm môi trường không khí.
Đặc điểm của nguồn thải này là nồng độ chất độc hại rất cao và tập trung trong khoảng không gian nhỏ dưới dạng hỗn hợp khí và hơi độc hại. Ở mỗi ngành công nghiệp, tuỳ theo qui trình công nghệ, loại nhiên liệu sử dụng, đặc điểm sản xuất, qui mô sản xuất, loại nguyên liệu và sản phẩm tạo thành... mà thành phần, nồng độ các chất thải ra môi trường khác nhau.
Đối với ngành công nghiệp năng lượng, các nhà máy nhiệt điện thường sử dụng nhiên liệu là than hoặc dầu. Các ống khói, bãi than, băng tải trong nhà máy đều là
---
nguồn gây ô nhiễm nặng cho môi trường không khí. Ví dụ: năm 1993 lượng than sử dụng cho 3 nhà máy nhiệt điện của miền Bắc của nước ta là 479.520 tấn, như vậy sẽ thải ra khí quyển 6.713 tấn khí SO2, 2.724 tấn NOx, 2.779.000 tấn CO2, 1.490,8 tấn bụi và 203.500 tấn xỉ.
Ngành công nghiệp luyện kim thường thải ra nhiều bụi và các chất khí độc hại. Bụi thường có ở các công đoạn khai thác quặng, tuyển quặng, nghiền quặng, trong lò nhiệt luyện, các băng chuyền... Quá trình đốt nhiên liệu, luyện gang thép, luyện đồng kẽm... sinh ra các chất độc hại như CO, SO2, NOx, CuO, As và các loại bụi bẩn khác.
Ngành công nghiệp hoá chất thường thải ra nhiều chất độc hại ở thể khí, đây là ngành công nghiệp để lại nhiều hậu quả xấu tới môi trường hiện nay. Các hoá chất độc hại bị rò rỉ, bay hơi, rơi vãi trong quá trình sản xuất, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, các nhà máy sản xuất phân bón (urê, phân lân) thải ra các loại khí độc hại như CO, CO2, NH3, SO2, hơi axit, bụi...
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng sản xuất xi măng, vôi, gạch, ngói, thuỷ tinh... là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường không khí. Khói, bụi, CO2, CO, SO2, NOx là các khí thải chủ yếu của ngành này. Ước tính hàng năm, lượng khí thải phát thải: 24.103 tấn SO2; 3,5.106 tấn CO2; 3,87.103 tấn CO; 9,026.103 tấn NOx; 125.103 tấn bụi.
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm với đặc trưng ô nhiễm là các chất hữu cơ, hơi các chất tẩy rửa, hoá chất độc hại... gây ô nhiễm môi trường không khí.
Ngành cơ khí cũng gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng với các khí thải độc hại từ sơn và đúc kim loại. Bên cạnh đó, ô nhiễm nhiệt và các khí độc hại khác do quá trình nhiệt luyện, gia công cơ khí, hàn, đúc... cũng gây ô nhiễm không khí trong phân xưởng làm việc và môi trường xung quanh.
Nguồn ô nhiễm do giao thông vận tải: Ô nhiễm do giao thông vận tải gây ra cũng là một nguồn lớn. Đây là nguồn ô nhiễm rất thấp, di động phụ thuộc vào cường độ giao thông và địa hình đường đi. Bên cạnh việc đốt cháy nhiên liệu (xăng, dầu madút, than đá...) và sản sinh các khí độc hại như CO, SO2, NOx, hơi chì, tàn khói... Bảng 2.1. cho thấy lượng khí độc hại do ô tô thải ra trong quá trinh vận hành.
Quá trình vận hành các phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy, máy xây dựng…) còn gây ô nhiễm bụi đất đá đối với môi trường không khí. Tàu hoả, tàu thuỷ sử dụng nhiên liệu bằng than hay xăng dầu cũng gây ô nhiễm tương tự như ô tô. Giao thông hàng không (máy bay) cũng là nguồn gây ra ô nhiễm bụi, hơi độc hại và tiếng ồn cho môi trường không khí.
---
Bảng 2.1. Lượng khí độc hại do ô tô thải ra qui cho 1 tấn nhiên liệu tiêu thụ
Khí độc hại
Lượng khí độc hại (kg/tấn nhiên liệu)
Động cơ máy nổ chạy xăng Động cơ diezen
Cacbon dioxit CO Hydrocacbon HC Nitơ oxit NOx Sunfua dioxit SO2 Aldehyt 465,59 23,28 15,83 1,86 0,93 20,81 4,16 13,01 7,80 0,78 Tổng cộng 507,49 46,56
Nguồn ô nhiễm do sinh hoạt của con người: Nguồn ô nhiễm do sinh hoạt của con người chủ yếu là quá trình đốt nhiên liệu (củi, rơm rạ, dầu hoả, than đá, gas...) phục vụ sinh hoạt. Nguồn ô nhiễm này không lớn nhưng lại xảy ra liên tục và có thể gây ô nhiễm cục bộ trong một không gian hẹp. Việc sử dụng than trong đun nấu phát sinh khí CO có thể gây ngộ độc đối với con người.
Môi trường nước mặt quanh khu vực dân cư và đô thị bị ô nhiễm sẽ sinh ra các khí độc hại, sự phân huỷ các chất hữu cơ trong các khu vực chôn lấp rác thải sinh hoạt cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Các khí ô nhiễm sinh ra từ các hoạt động trên chủ yếu là CO2, CO, CH4, H2S, urê và mùi hôi thối. Ngoài ra, nhà vệ sinh và việc sử dụng chất thải của người và động vật trong trồng trọt, chăn nuôi cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường không khí.