Thứ nhất, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử hình sự tại
phiên toà giúp cho những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về những quy định pháp luật được áp dụng vào việc giải quyết
vụ án hình sự. Giáo dục pháp luật thông qua phiên toà xét xử hình sự giúp
những người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn, bị cáo, người bị hại...), những người tham dự phiên toà nói riêng, những người dân quan tâm tới phiên tòa nói chung tự đánh giá về hành động, trách nhiệm pháp lý của mình. Hoạt động này cũng giúp hình thành ở họ ý thức về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, củng cố lòng tin và thái độ tôn trọng pháp luật; giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật (cụ thể là phù hợp với những bản án, quyết định đúng đắn của Hội đồng xét xử); giúp định hướng dư luận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm nói riêng. Một bản án hình sự nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là mục đích của hoạt động xét xử, còn mục đích của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử hình sự là tạo nên một trạng thái tâm lý pháp luật mới, cao hơn trong ý thức pháp luật của những người trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm, theo dõi phiên toà.
Thứ hai, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử hình sự góp
phần củng cố, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, tự giác và chủ
động thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho nhân dân. Ý thức của mỗi
người dân trong việc tự giác chấp hành pháp luật, biết sống và làm việc theo pháp luật chỉ có thể được củng cố và nâng cao thông qua hoạt động giáo dục pháp luật dành cho họ. Từ chỗ được cung cấp, trang bị thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết, có thái độ phản ứng tích cực trước các yêu cầu pháp luật và có niềm tin đối với pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mỗi dân sẽ từng bước được nâng cao. Trên cơ sở ý thức pháp luật cá nhân được
hình thành, củng cố qua quá trình tham dự công tác giáo dục pháp luật tại phiên tòa hình sự, mỗi cá nhân tham dự, theo dõi phiên tòa sẽ biết vận dụng các quy định pháp luật tiếp thu được để đối chiếu, đánh giá hành vi của bản thân và của những người khác; từ đó, biết cách tự giác, chủ động lựa chọn thực hiện những hành vi phù hợp với quy định pháp luật, biết khước từ cũng như khuyến cáo người khác không vi phạm pháp luật; biết đồng tình, ủng hộ cái đúng, những hành vi, việc làm hợp pháp và biết phê phán cái sai, lên án những hành vi bất hợp pháp.
Để có thể củng cố, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự giác và chủ động thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho nhân dân thì trong công tác giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử hình sự, chủ thể giáo dục pháp luật cần chú trọng lồng ghép việc giáo dục tình cảm công bằng, tình cảm trách nhiệm và tình cảm không khoan nhượng với các hành vi phạm pháp, phạm tội. Đó đều là những nhân tố thuộc về niềm tin đối với pháp luật, là động lực nội tâm thúc đẩy mỗi cá nhân thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp.