1.4.2.1. Thông qua hoạt động DH các môn trong chương trình đào tạo
Chức năng trội của dạy học là giáo dưỡng, đồng thời phải thực hiện chức năng giáo dục (theo nghĩa hẹp). Qua dạy học các môn trong chương trình đào tạo nhằm giúp sinh viên có những hiểu biết nhất định về đạo đức, về thái độ phải có, về nghĩa vụ và bổn phận phải làm. Từ đó, sinh viên có cơ sở để các em tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nhân cách sư phạm cho mình.
Bên cạnh việc trang bị tri thức đạo đức, việc dạy học trên lớp còn là con đường cơ bản ngắn nhất, hiệu quả nhất để hình thành niềm tin và giáo dục đạo đức cho sinh viên. Đặc biệt qua một số môn học như: giáo dục học, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân giáo dục dân số, giáo dục môi trường, vệ sinh chăm sóc… trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, hệ thống về những khái niệm, phạm trù, quy tắc, chuẩn mực đạo đức, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân theo yêu cầu của xã hội và của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi một môn học không ngừng khai sáng tri thức mà còn hướng dẫn hành vi, cách ứng xử trong nhiều mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cộng đồng, môi trường, phù hợp với quy tắc, chuẩn mực chung, định hướng cho con người phát triển và hoàn thiện nhân cách. Cụ thể như:
- Thông qua giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị nhằm hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, cung cấp phương
pháp luận, hình thành niềm tin… cho người học, đây là yếu tố then chốt, nền tảng đạo đức nghề dạy học.
- Qua các môn Tâm lý – Giáo dục nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, hiện đại về công việc dạy học và giáo dục, hình thành các giá trị nghề nghiệp, thái độ, cách cư xử, hành vi đạo đức trong các mối quan hệ của các em, đặc biệt là biết ứng xử phù hợp với các mối quan hệ trong lao động sư phạm.
- Qua dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn có tiềm năng to lớn trong việc giáo dục chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, làm cho nội dung này trở thành tình cảm, niềm tin, lẽ sống thường trực trong sinh viên, giúp họ có cơ sở khoa học để phân tích những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và tin tưởng một cách khoa học vào sự tất thắng của cái chân, thiện, mĩ trong hiện tại và tương lai.
- Qua dạy học các môn khoa học tự nhiên có đóng góp không nhỏ như: người học biết tư duy hợp lý, sáng tạo, thái độ coi trọng nhân quả, hình thành các phẩm chất kiên trì, bền bỉ, với quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên con đường đi tới.
- Qua dạy học các môn nghệ thuật, thể dục thể thao tạo cơ hội để sinh viên phát triển óc sáng tạo, thể hiện được xúc cảm và sự trải nghiệm của mình.
1.4.2.2. Thông qua các hoạt động ngoại khóa
Ngoài những hoạt động học tập các môn học, sinh viên còn có những hoạt động khác nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của cá nhân sinh viên, hoặc để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của tập thể sinh viên, của nhà trường và gia đình. Đó chính là những hoạt động thực tiễn có tác dụng hình thành cảm xúc và hành vi đạo đức cho các em. Nếu con đường giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua giảng dạy các môn học có tác dụng chủ yếu là giúp cho
sinh viên nhận thức các yêu cầu của chuẩn mực đạo đức thì con đường hoạt dộng thực tiễn có tác dụng chủ yếu hình thành kĩ năng, thói quen, rèn luyện ý chí và củng cố niềm tin đạo đức cho sinh viên, giúp các em biết vận dụng những biểu tượng và kiến thức mà các em đã được học trong các môn học vào cuộc sống. Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng và phong phú gồm các hoạt động như: hoạt động lao động, công tác xã hội, sinh hoạt tập thể, vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt chuyên đề, câu lạc bộ, giao tiếp… Các hoạt động này nhằm rèn luyện những hành vi ứng xử, giao tiếp lịch sự, có văn hóa nhằm góp phần cải tạo những tập tục, thói quen lạc hậu trong đời sống của thế hệ trẻ. Các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa có ý nghĩa to lớn trong giáo dục đạo đức, rèn luyện tư tưởng chính trị cho sinh viên trong nhà trường sư phạm.
- Hoạt động thực tế ở trường phổ thông, thực tập sư phạm là con đường đặc thù, cơ bản dạy nghề có hiệu quả nhất cho sinh viên sư phạm. Đó không chỉ là một hoạt động rèn luyện nghiệp vụ đơn thuần chuẩn bị cho nội dung bài dạy trên lớp mà qua đó sẽ hình thành cho sinh viên tình cảm yêu nghề, yêu trẻ.
- Thông qua hoạt động chính trị xã hội giúp sinh viên nắm được thực tiễn giáo dục địa phương, hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, của ngành học đối với giáo dục, hướng đến đích là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thấm nhuần phương châm của ngành là “xã hội hóa giáo dục”.
1.4.2.3. Thông qua tập thể lớp học
Một trong những nguyên tắc giáo dục là “giáo dục qua tập thể và bằng tập thể”, lớp học là tập thể được tổ chức khá chặt chẽ, có tính mục đích, tính
giáo dục. Vì thế, việc xây dựng tổ chức lớp học lành mạnh, có tính sư phạm và tính giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong một lớp học thì cả lớp là một tập thể lớn, có những tập thể nhỏ như: tổ, nhóm, câu lạc bộ… và mỗi sinh viên là thành viên của lớp, đồng thời là thành viên của vài ba tập thể nhỏ khác. Tập thể chính là môi trường diễn ra các hoạt động, giao lưu, giúp các em học tập lẫn nhau. Ở đó, hoạt động và các ý kiến của cá nhân đều được tập thể kiểm tra, đánh giá, được chấp nhận hoặc bị phê phán. Vì ý kiến của mỗi thành viên không những có tác dụng thông báo những thông tin lớp trẻ quan tâm, những nội dung các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức, mà còn có tác dụng kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nhận thức về các chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức đó.
Từ thực tế về sự đa dạng trong thống nhất của tập thể sinh viên đòi hỏi nhà giáo dục phải có khả năng làm cho dư luận của những tập thể khác nhau có sự thống nhất cơ bản về cùng một hướng là lành mạnh, chỉ có như vậy thì dư luận mới có tác dụng giáo dục đạo đức cho sinh viên. Hơn nữa, nhà giáo dục phải biết hướng dư luận của tập thể sinh viên một cách có chủ định và dẹp đi những dư luận thất thiệt ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức.
1.4.2.4. Qua sự tu dưỡng của sinh viên
Sự tự tu dưỡng, tự rèn luyện của sinh viên là con đường trực tiếp, có ý nghĩa quyết định trong quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp ở sinh viên. Quá trình hình thành, phát triển đạo đức ở mỗi cá nhân là một quá trình lâu dài, phức tạp, trong quá trình đó có các tác động bên ngoài và động lực bên trong thường xuyên tác động lẫn nhau, vai trò của mỗi yếu tố đó thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển của con người. Khi nhân cách của cá nhân phát triển khá đầy đủ thì việc xem xét, đánh giá hay cư xử bất cứ điều gì cá nhân cũng dựa trên quan điểm, niềm tin đạo đức của mình, lúc này cái bên ngoài được sàng lọc thông qua cái bên trong. Cá nhân dựa vào cái bên trong
của mình để đánh giá, tiếp nhận hay gạt bỏ cái bên ngoài. Ở đây lương tâm trở thành nhân tố điều chỉnh hành vi đạo đức cá nhân. Sự hình thành và phát triển các phẩm chất đạo đức của sinh viên do ảnh hưởng của tác động bên ngoài mà trước hết là nhà trường, tập thể, gia đình sẽ dần chuyển thành sự tự giáo dục, trong đó sự tự tu dưỡng là yếu tố cơ bản.
Như vậy, sự tự tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp là một hệ thống hành động tự giác mà mỗi cá nhân thực hiện với chính mình nhằm khắc phục những hành vi trái đạo đức, bồi dưỡng, củng cố hành vi đạo đức. Sự tự tu dưỡng là yêu cầu tự nhiên ở mỗi cá nhân, ở trình độ ý thức đã phát triển, mọi cá nhân đều cần làm cho mình tốt hơn lên, bồi dưỡng tình cảm ý chí của chính mình, khắc phục những thói hu, tật xấu. Đối với sinh viên CĐSP thì việc nhận thức được bản thân mình, đánh giá đúng mình, luôn có thái độ phê phán nghiêm túc những hành vi thiếu đạo đức như: thái độ tự mãn, tự kiêu… là rất cần thiết
Bên cạnh sự tự điều chỉnh cần có sự uốn nắn, điều chỉnh hành vi của các tổ chức quản lý như nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người công dân, người giáo viên XHCN trong giai đoạn hiện nay.