5. Kết cấu của luận văn
2.2.1.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
Tôi chọn mẫu điều tra trong khu vực nghiên cứu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phi xác xuất. Phương pháp tiến hành khảo sát hai đối tượng đó là cán bộ xã và người dân bằng bảng hỏi.
Mục tiêu của hoạt động điều tra thu thập số liệu sơ cấp là nhằm thu thập đầy đủ, toàn diện, khách quan và chính xác các thông tin về mối quan hệ
giữa phát triển kinh tế của các hộ gia đình và phát triển rừng, vai trò của rừng đối với sự phát triển kinh tế hộ tại khu vực khảo sát.
Phương pháp chọn mẫu điều tra: Đề tài tiến hành chọn mẫu theo nhiều cấp. Bước thứ nhất tôi tiến hành lựa chọn các xã mẫu đại diện điều tra, từ đó lựa chọn khảo sát ở 3 xã trên địa bàn huyện Định Hóa đó là xã Tân Thịnh, xã Bình Thành, xã Bộc Nhiêu. Đây là 3 xã có đặc điểm là diện tích đất lâm nghiệp lớn đặc biệt là đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất rừng sản xuất lớn, đại bộ phận người dân có nguồn thu nhập từ rừng. Bước thứ 2 lựa chọn các thôn đại diện trong các xã để điều tra và bước thứ 3 là lựa chọn các hộ đại diện để điều tra.
Ở đề tài này tác giả chọn kích thước mẫu là 120 theo phương pháp chọn các mẫu ngẫu nhiên phi xác suất, thuận tiện cho công việc điều tra nghiên cứu. Con số được chọn phù hợp với khả năng và có thể đại diện cho toàn bộ mẫu. Cụ thể số mẫu điều tra là 120 mẫu, trong đó mỗi xã điều tra 10 mẫu dành cho đối tượng lãnh đạo và khoảng 30 mẫu dành cho đối tượng người dân. Đối với mẫu dành cho cán bộ thì đến trụ sở các xã phỏng vấn trực tiếp hoặc phát phiếu cho các chức danh cụ thể trong trụ sở. Với đối tượng người dân thì đến từng hộ gia đình của xã hoặc thông qua danh sách được cấp (nếu có) để phỏng vấn hoặc để lại phiếu cho hộ gia đình đó. Số lượng người được phỏng vấn của một xã tương ứng với số phiếu dành cho đối tượng của xã đó. Không phân biệt các thôn trong xã.
Tiêu chuẩn lựa chọn xã làm mẫu:
Có diện tích rừng > 500ha, tỷ lệ che phủ rừng cao, trên 40%.
Có >50% hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế bằng rừng, người dân có tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp ở địa phương, nhận và được khoán bảo vệ rừng.
Có trên 10 mặt hàng, sản phẩm lâm sản được bán ra thị trường và tiêu thụ trong hộ gia đình.
Tiêu chuẩn lựa chọn các hộ gia đình cho mẫu:
Có tham gia phát triển kinh tế từ rừng và là người dân của các xã đã chọn ở trên, không phụ thuộc dân tộc, không giới hạn về kinh tế.
Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cho mẫu điều tra:
Là cán bộ lãnh đạo các cấp thôn, xã, của 3 xã trên. Ưu tiên cho cán bộ phụ trách lâm nghiệp tại địa phương.
Số liệu điều tra sơ cấp được tác giả thu thập trên thực địa thông qua các phương pháp sau:
* Phương pháp phỏng vấn cấu trúc
Tôi đã điều tra các hộ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp một thành viên nắm vai trò trụ cột về kinh tế tại hộ gia đình. Điều này đảm bảo lượng thông tin có tính đại diện và chính xác. Câu hỏi được soạn thảo chủ yếu là câu hỏi đóng và có một vài lựa chọn mở (mẫu phiếu đính kèm phụ lục 1 và 2). Nội dung các câu hỏi phục vụ cho đề tài nghiên cứu được thiết kế theo 2 mục chính:
Mục I: Về thông tin của người được khảo sát.
Mục II: Các lựa chọn theo câu hỏi của bảng hỏi. Các câu hỏi này đưa ra nhằm điều tra các thông tin về vai trò định lượng và định tính của rừng đối với thu nhập của người dân tại vùng điều tra. Ở các câu hỏi đóng, sẽ có các lựa chọn tương ứng cho người tham gia phỏng vấn lựa chọn, từ đó thống kê các lựa chọn này. Ở các câu hỏi mở, người tham gia có thể cho ý kiến riêng của mình, các ý kiến này cũng được thống kê và phân tích trong bài.
* Phương pháp quan sát trực tiếp
Phương pháp này giúp tác giả có thêm các thông tin tại địa bàn nghiên cứu trong quá trình đi điều tra phỏng vấn hộ thông qua ghi chép, chụp ảnh lại một cách cụ thể, thực tế, phong phú và khách quan.