Kinh nghiệm phát triển kinh tế từ rừng của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 41 - 43)

5. Kết cấu của luận văn

1.2.1.1.Kinh nghiệm phát triển kinh tế từ rừng của Trung Quốc

Theo kết quả của Chương trình Điều tra Lâm nghiệp Toàn quốc lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố tháng 11/2009, tỷ lệ che phủ rừng của nước này là 20,36 %; với 195 triệu ha diện tích. Trữ lượng rừng đạt 13,72 tỉ m3; trữ lượng cacbon rừng là 7,81 tỷ tấn và giá trị dịch vụ hệ sinh thái hàng năm khoảng trên 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,46 nghìn tỉ đô-la).

Vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 Trung Quốc đã tiến hành các bước cải cách quan trọng cho ngành lâm nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển

mạnh mẻ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể cuối tháng 11 năm 2009, Trung Quốc ra mắt Sàn giao dịch lâm nghiệp. Đây là thị trường kinh doanh các tài sản lâm nghiệp và tài nguyên rừng đầu tiên của quốc gia này, nơi người nông dân có thể mua, bán quyền sử dụng đất lâm nghiệp của họ một cách hợp pháp - điều chưa từng có trước đây.

Vào năm 2003, Trung Quốc mở cuộc cải cách lớn giao quyền quản lý từ tập thể sang cho người dân 170 triệu ha đất lâm nghiệp. Tạo việc làm cho hơn 700 triệu nông dân. Theo đó phân định rõ chế độ sở hữu, theo đó người dân sẽ được giao quản lý đất lâm nghiệp từ các hợp tác xã, mặc dù tài sản rừng vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Tiếp theo là trao quyền chủ động cho người dân trên phần đất lâm nghiệp mà họ quản lý, giúp họ linh hoạt về phương thức quản lý và thu được lợi ích thực sự.

Giao dịch qua sàn mang lại lợi ích thực tế đã làm thay đổi về căn bản thái độ và sự quan tâm của người dân đối với tài sản đất lâm nghiệp mà họ được giao. Để thu được lợi ích tối đa trên phần đất giới hạn của mình, họ tập trung nhiều hơn vào việc trồng cây và ươm giống. Sáng kiến tái sinh rừng đã đạt được kết quả đáng kể. Tới nay, Trung Quốc đã vươn lên tốp đầu thế giới về diện tích rừng trồng, với 62 triệu ha.

Nhiều công ty chế biến gỗ đã đầu tư mua lại đất lâm nghiệp. Công ty giấy Chenming của tỉnh Sơn Đông gần đây mua khoảng 13.300 ha rừng ở tỉnh Hồ Nam để mở rộng vùng nguyên liệu. Với gần 35.000 doanh nghiệp trong ngành, cơn sốt đất lâm nghiệp bùng phát mạnh mẽ.

Theo ước tính của Cơ quan quản lý lâm nghiệp Trung Quốc trong năm 2010, số lượng các khu lâm sinh đón khách du lịch của Trung Quốc sẽ lên tới con số 2.400, số lượng khách dự kiến khoảng 300 triệu lượt và doanh thu ngành đạt khoảng 150 tỉ nhân dân tệ (22 tỉ USD). Sản lượng của ngành công nghiệp rừng từ của Trung Quốc đạt 1,44 nghìn tỉ nhân dân tệ (210,8 tỉ USD) năm 2008 và 2,26 nghìn tỉ nhân dân tệ (331 tỉ USD) năm 2012 (http://www.thiennhien.net).

Qua những con số trên cho thấy sản phẩm từ lâm nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, thu về hàng tỷ đô la, góp một phần giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây. Đây cũng là một điển hình cho chúng ta thấy được vai trò của rừng trong sự phát triển kinh tế xã hội khi quản lý đúng cách. Ngày nay khai thác rừng bằng các mô hình kinh tế xanh đang được chú trọng như các khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái… đang mang lại hiệu quả hàng tỷ USD cho các quốc gia sở hữu rừng.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 41 - 43)