Đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 38 - 40)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.3.4.Đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học

Muốn có được một sản phẩm từ hoạt động lâm nghiệp thì cần có rất nhiều yếu tố liên quan, trong đó tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học rừng có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng, chất lượng của sản phẩm lâm nghiệp đó. Không phải sản phẩm lâm nghiệp nào cũng giống nhau ở mọi nơi mà có những loài chỉ phát triển ở nơi này mà không thể phát triển ở nơi khác và cũng không phải địa hình khí hậu nào cũng có thể dành cho các loài sinh vật phát triển (nhất là các vùng khô cằn như sa mạc, núi cao phủ tuyết...). Đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học rừng tại Việt Nam thích hợp cho rất nhiều loài động thực vật sinh trưởng và phát triển trong đó có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, một số dùng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, làm vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi như:

Nhóm dùng làm dược liệu bao gồm các loài cây như sa nhân (chữa dạ dày trướng, đau viêm ruột), củ mài (chữa đường ruột, suy thận), củ nâu (cầm máu, ho), thiên niên kiện (chữa tê thấp, đau xương, dạ dày), chè vằng (dùng làm nước uống cho phụ nữ sau khi sinh), khúc khắc (chữa thấp khớp, đau lưng, đau xương), búp ổi (đau bụng, đi ngoài), lá lốt (chữa đau lưng, thấp khớp, mệt mỏi), riềng rừng. Đặc biệt với nhân dân các huyện vùng cao, vùng xa, điều kiện y tế gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn thuốc và phương tiện đi lại. Do vậy, cây thuốc nam là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng chống lại bệnh tật, đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí trong chữa bệnh, tiết kiệm được một khoản tiền chi tiêu. Các loài cây này vừa là dược liệu chữa bệnh cho người dân tại chỗ cũng vừa có thể mang lại một nguồn thu nhập cho người dân, đặc biệt là một số loài cây thuốc có giá trị cao và có thị trường tiêu thụ tốt đã tạo ra một khoản thu nhập cho người dân như sa nhân, ba kích, chè vằng, khúc khắc.

Nhóm lương thực, thực phẩm: Đối với người dân miền núi thường diễn ra tình trạng thiếu lương thực và thực phẩm, vì vậy nguồn lương thực và thực phẩm từ rừng cũng là các nguồn khá đa dạng cho người dân. Việc sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm có sẵn trong rừng sẽ làm giảm chi phí cho cuộc sống hàng ngày của người dân so với việc mua những loại thực phẩm bày bán sẵn trên thị trường. Các loài cây thường được dùng làm lương thực, thực phẩm là măng nứa, măng giang, măng tre, củ từ, củ mài, khoai mỳ, chay, bứa, tai chua, lá lốt, riềng rừng, rau ngót rừng trong đó các loại măng được ưa chuộng nhất. Với số lượng nhiều thì các nguồn này có thể mang ra trao đổi với các sản phẩm khác hoặc thu tiền mang lại thu nhập cho người dân.

Nhóm cho củi đun: Củi, than đốt và các vật liệu khác dành làm nhiên liệu chất đốt cũng là một phần thu nhập cho người dân địa phương vùng rừng núi. Hầu như loài cây nào cũng có thể được sử dụng làm củi nên khối lượng khai thác khá cao. Một phần trong số này được bán để mang lại thu nhập cho người dân.

Nhóm cho nguyên liệu thủ công mỹ nghệ, xây dựng: Ngoài các loại gỗ làm vật liệu xây dựng, rừng cũng chứa rất nhiều vật liệu dành cho chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó ưa chuộng nhất là các loài nứa, giang, tre gai, lồ ô, song mật, mây nếp. Người dân thường sử dụng chúng để đan lát, làm đồ gia dụng. Phần lớn những loài cây này là những loài có giá trị trên thị trường, vì vậy đây là một thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, nhờ đó giảm được áp lực của họ lên rừng tự nhiên.

Nhóm dùng làm thức ăn chăn nuôi: Việc chăn nuôi trong các vùng rừng núi chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn thức ăn tự nhiên. Các loài trong số này như khoai mỳ, chuối rừng, rau tàu bay, củ mài, củ từ, củ nưa, hoa của các loài cây... Từ các vật nuôi người dân cũng có thể mang về các khoản thu nhập cho gia đình.

Từ các đánh giá trên cho thấy đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học của rừng ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người dân tại các vùng lâm nghiệp. Thu nhập có thể là trực tiếp từ các sản phẩm thu hoạch từ rừng hoặc gián tiếp từ các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ (ươm giống, bao tiêu sản phẩm...). Nơi nào có nhiều đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học rừng thì nơi đó người dân có nhiều các hoạt động kinh tế từ rừng, khai thác nhiều sản phẩm từ rừng và chắc chắn là thu nhập từ rừng sẽ tăng so với những vùng có ít hoặc không có đất đai, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học rừng.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 38 - 40)