Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 28 - 30)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.2.1.Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Việc quy hoạch và phát triển bền vững rừng của chính phủ gần đây bằng các công tác giao đất giao rừng để các thành phần quản lý trong đó có kinh tế hộ đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ canh tác rừng từng bước làm giàu trên chính diện tích rừng được giao. Lợi ích của trồng rừng là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, ở các xã vùng sâu, vùng xa người dân đã có điều kiện làm chủ trên diện tích đất rừng, làm giàu từ rừng. Trong đó, các dự án do Nhà nước phát động đã tạo ra hàng triệu việc làm như dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2010 đã tạo việc làm cho 4,6 triệu lao động, trồng mới 2,45 triệu ha rừng và mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, môi trường.

Năm 2010, tại các tỉnh như Lai Châu, sau 5 năm chương trình thí điểm khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu, toàn tỉnh đã thực hiện bảo vệ 45.813 ha rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh với tổng diện tích 58.990,2 ha; đã có 35.350 ha rừng mới được tạo thành, diện tích đã chuyển trạng thái nhưng chưa thành rừng hơn 5.200 ha qua đó chương trình đã tạo việc làm ổn định cho 11.428 hộ tại 21 xã biên giới trên địa bàn 3 huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Mường Tè, góp phần giảm số hộ nghèo trong vùng thực hiện chương trình từ 60% (năm 2006) xuống còn 33,46% (năm 2010).

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, huyện miền núi Ba Tơ hiện có khoảng 52.000 người đang sinh sống tại 20 xã, thị trấn, trong đó có 85% dân số là dân tộc H’rê. Với gần 97.280 ha đất rừng, chiếm gần 86% diện tích tự nhiên, trong đó, rừng phòng hộ có hơn 37.400 ha, rừng sản xuất gần 60.000 ha. Với sự hỗ trợ của công ty Lâm nghiệp Ba Tơ về giống, phát dọn, đào hố đến trồng cây, dân lo chăm sóc, bảo vệ, tổng đầu tư cho dân trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch trả cho dân khoảng 10 triệu đồng/ha rừng sản xuất. Sau 7 năm từ trồng đến thu hoạch, trừ chi phí mỗi hộ dân nhận khoán rừng cũng có lãi từ 20 đến

25 triệu đồng/ha. Nhờ phát triển rừng, hàng năm đã có 12.000 đến 13.000 lao động tại địa phương được tạo việc làm.

Nhờ trồng rừng, nhiều hộ gia đình ở Ba Tơ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Hiện nay, mỗi hộ gia đình ở huyện miền núi Ba Tơ có từ 1 - 2 ha rừng trồng và có hàng trăm hộ có trên 5 ha mỗi năm thu từ 35 - 40 triệu đồng. Theo Hội Nông dân huyện Ba Tơ, đến nay, toàn huyện có gần 1.700 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện nay xuống dưới 40%, riêng thị trấn Ba Tơ giảm còn 20%. Những năm gần đây, Ba Tơ luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với 5 huyện miền núi khác của tỉnh cũng nhờ thu nhập từ trồng rừng.

Hình 1.3: Vƣờn ƣơm cây giống cho việc trồng rừng

(Nguồn: internet)

Về các xã của huyện miền núi Ba Tơ, hai bên đường toàn một màu xanh cây keo ngút mắt, người dân đang phấn khởi, hăng hái bước vào vụ trồng rừng. Những căn nhà tôn rỉ rét, lụp xụp ngày nào nay được thay bằng những ngôi nhà xinh đẹp khang trang, những con đường ngày xưa nắng bụi mưa bùn nay đã bê tông rất khang trang sạch đẹp.

Việt Nam có 13.515.064 ha diện tích rừng (2011), bởi vậy, việc phát triển kinh tế từ rừng là một phần chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Bằng cách chú trọng trồng rừng và mở rộng diện tích rừng trồng nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có. Những năm trở lại đây, diện tích rừng trồng không ngừng được tăng lên, hiệu quả thu được từ trồng rừng cũng rất rõ rệt. Trước hết là hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân từ xuất phát điểm nghèo đói nay được giao đất trồng rừng đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiếp đến là hiệu quả về mặt xã hội, hoạt động trồng rừng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ người dân sống vùng gần rừng, từ đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt trồng rừng giúp làm cân bằng môi trường sinh thái, yếu tố này có ý nghĩa rất lớn đối với một đất nước vốn phải chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt, hạn hán gây ra hàng năm như Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của rừng đối với phát triển kinh tế hộ ở Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Trang 28 - 30)