Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế thi hành pháp luật trong đời sống nhằm phát huy giá trị của một đạo luật. Tính khả thi của văn bản luật thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại. Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng những nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước sẽ tạo ra những "đòn bẩy" tăng trưởng kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trường hợp văn bản không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội, với những quy định quá cao hoặc lỗi thời, sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của quản lý nhà nước. Do vậy, yêu cầu đặt ra là văn bản luật phải vừa phản ánh được những quy luật chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực.
Ngoài ra, yêu cầu về tính khả thi còn đòi hỏi văn bản luật phải có các quy định, các mệnh lệnh chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản và phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan đồng thời cũng cần tạo ra sự kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong hoạt động xây dựng văn bản, tổ chức thực hiện văn bản.