Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 35)

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất chỉ đạo việc xây dựng văn bản luật. Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi nhận: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" [27]. Nguyên tắc này khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, đòi hỏi Nhà nước phải thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật. Nội dung của nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với việc xây dựng văn bản luật thể hiện ở chỗ:

- Đảng vạch ra đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại để nhà nước thể chế hoá thành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật ấy;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật trong các ngành quản lý nhà nước; - Kiểm tra hoạt động xây dựng văn bản luật nhằm đảm bảo theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thể hiện đầy đủ quyền lợi, ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động;

- Định ra chiến lược phát triển hệ thống pháp luật dài hạn để nhà nước cụ thể hoá thành các chương trình xây dựng pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ở trung ương và địa phương phải căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng để xây dựng, hoàn thiện và bổ sung hệ thống các quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc trên đây còn đòi hỏi các cấp uỷ Đảng thường xuyên kiểm tra các cơ quan có thẩm quyền trong việc thể chế hoá đường lối, chính sách

của Đảng bằng các quy định của Nhà nước và kiểm tra việc thực hiện văn bản luật đó trong thực tế cuộc sống. Hệ thống văn bản luật phải đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phải có tính thực thi và hiệu quả.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng văn bản luật còn thể hiện ở việc các cơ quan lãnh đạo của Đảng tham gia tích cực vào việc chuẩn bị các dự thảo văn bản luật. Đảng là người khởi xướng việc đưa ra cán bộ và nhân dân thảo luận các dự thảo luật quan trọng; chỉ đạo việc lấy ý kiến của cán bộ và nhân dân trong việc tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản luật cũng như vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 35)