Về hoạt động soạn thảo văn bản luật

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 87 - 88)

Soạn thảo được coi là hoạt động quan trọng nhất của quy trình xây dựng văn bản luật vì chất lượng của văn bản cao hay thấp lệ thuộc vào hoạt động này là chính. Do vậy, để khắc phục những nhược điểm còn tồn tại trong hoạt động soạn thảo và nâng cao chất lượng văn bản luật, chúng ta cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Trước hết, cần chú trọng đúng mức việc thành lập Ban soạn thảo. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải quy định rõ hơn về tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, tránh tình trạng quy định mang tính liệt kê và không cụ thể như Điều 33 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Trong kỳ họp của Quốc hội khoá XII vừa qua đã thảo luận và dự kiến thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những quy định trực tiếp liên quan đến Ban soạn thảo như cần quy định về cách thức tiến hành từng nhiệm vụ của Ban soạn thảo thay thế cho cách quy định chung chung mang tính liệt kê công việc. Với cách quy định như vậy đã tạo ra cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản luật, cần đặc biệt chú ý quán triệt đầy đủ các quan điểm cơ bản của Đảng có liên quan đến nội dung dự thảo.

Tăng cường hoạt động khảo sát thực tế để nắm bắt toàn diện đánh giá đúng thực trạng các quan hệ xã hội là cơ sở để hình thành nội dung dự thảo văn bản luật; Mặt khác, Ban soạn thảo cần phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các ngành, các cấp và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Từ đó bảo đảm các dự thảo văn bản luật có luận cứ khoa học, căn cứ thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng biên soạn và bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình dự thảo.

Phải nghiên cứu toàn diện pháp luật hiện hành quy định về lĩnh vực thuộc nội dung dự thảo để tránh tình trạng xây dựng văn bản luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với đời sống xã hội.

Luôn luôn bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước trong quá trình soạn thảo văn bản luật. Luật cần quy định rõ tính chất liên ngành của Ban soạn thảo để có sự tham gia của các ban, ngành có liên quan. Ngay trong việc lựa chọn những chuyên gia vào Ban soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền cũng cần quan tâm tới yếu tố này. Bên cạnh đó cần đặc biệt coi trọng yếu tố trình độ, năng lực chuyên môn của những chuyên gia bởi chính trình độ của họ đã quyết định tới chất lượng của dự thảo văn bản.

Ban soạn thảo cần chuẩn bị tốt các dự thảo văn bản hướng dẫn hoặc quy định chi tiết thi hành cùng thời gian soạn thảo văn bản luật, đảm bảo để khi văn bản luật có hiệu lực thì được thi hành ngay như đúng quy định tại Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Cần chuẩn bị tốt các yêu cầu về kinh phí, trang thiết bị cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động soạn thảo văn bản luật.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 87 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)