c. Nguyên tắc bảo đảm tính khả thi
Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế thi hành pháp luật trong đời sống nhằm phát huy giá trị của một đạo luật. Tính khả thi của văn bản luật thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại. Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng những nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước sẽ tạo ra những "đòn bẩy" tăng trưởng kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trường hợp văn bản không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội, với những quy định quá cao hoặc lỗi thời, sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của quản lý nhà nước. Do vậy, yêu cầu đặt ra là văn bản luật phải vừa phản ánh được những quy luật chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực.
Ngoài ra, yêu cầu về tính khả thi còn đòi hỏi văn bản luật phải có các quy định, các mệnh lệnh chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản và phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan đồng thời cũng cần tạo ra sự kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong hoạt động xây dựng văn bản, tổ chức thực hiện văn bản.
d. Nguyên tắc bảo đảm sự hài hoà về mặt lợi ích của các tầng lớp trong xã hội trong xã hội
Việc xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân suy cho cùng chính là sự đảm bảo yếu tố phù hợp giữa nhu cầu của xã hội và chủ trương xây dựng pháp luật của Nhà nước. Nội dung này xuất phát từ quan điểm cho rằng cần thiết phải tạo ra sự
dung hoà về lợi ích giữa các nhóm đối tượng trong xã hội mà trước hết là sự dung hoà về lợi ích giữa các nhóm đối tượng trong xã hội mà trước hết là sự dung hoà về lợi ích giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý khi chủ thể quản lý đưa ra các quyết định quản lý. Vì vậy, khi xây dựng văn bản luật, người có thẩm quyền cần thận trọng cân nhắc, lựa chọn cách thức điều chỉnh để bảo đảm sự hài hoà giữa lợi ích của các nhóm đối tượng có liên quan, cao hơn nữa là sự bảo đảm sự hài hoà giữa lợi ích của toàn xã hội, của Nhà nước, của các nhóm xã hội khác nhau, của mỗi cá nhân hay tổ chức.
Ngoài ra, văn bản luật phải có nội dung tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Sự tương thích về nội dung văn bản giữa hệ thống pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết phản ánh nhãn quan chính trị của giai cấp lãnh đạo và xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Yêu cầu về sự tương thích chủ yếu được đặt ra đối với các văn bản luật. Điều này thể hiện trong việc đòi hỏi về sự phù hợp, tương ứng với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế của văn bản luật.
1.2.4. Nội dung của quy trình xây dựng văn bản luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 là hình thức văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao lần đầu tiên được ban hành, tạo cơ sở để xây dựng khuôn khổ, hành lang pháp lý nhằm "đổi mới quy trình lập pháp, lập quy", đáp ứng yêu cầu bức xúc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật được ban hành đã trực tiếp góp phần xác lập kỷ cương, trật tự trong chính hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đưa công tác này đi vào nề nếp. Sau gần bảy năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những thành tựu nhất định. Việc triển khai thi hành Luật đã tạo sự chuyển biến về chất trong hệ thống pháp luật nói chung và trong hoạt động xây dựng văn bản luật nói riêng.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những mặt hạn chế cần khắc phục kịp thời, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy trình xây dựng văn bản luật. Vì lý do đó, ngày 16/12/2002, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết và kịp thời để thể chế hoá tư tưởng chỉ đạo về đổi mới quy trình lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; bảo đảm sự phù hợp giữa Luật với các quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ và từ đó góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn nữa, ngày 03/6/2008 Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật năm 2002 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Có thể nói, Luật đã sửa đổi một cách toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ khâu lập dự kiến chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua văn bản theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo, cơ quan ban hành chỉ tập trung vào việc thảo luận và quyết định chính sách. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật có chất lượng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và có tính khả thi cao.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình xây dựng văn bản luật gồm: Lập chương trình xây dựng văn bản luật; xây dựng dự thảo văn bản luật; thẩm định, thẩm tra dự án luật; thảo luận và thông qua văn bản luật ở kỳ họp của Quốc hội; công bố văn bản luật.