Về việc lập chương trình xây dựng văn bản luật

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 82 - 87)

Để nâng cao chất lượng lập và thực hiện chương trình xây dựng văn bản luật trong thời gian tới cần triển khai tốt những biện pháp như:

- Bảo đảm tính khả thi của Chương trình xây dựng văn bản luật bằng cách thường xuyên tiến hành có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá pháp luật hiện hành, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chương trình. Có thể rà soát, hệ thống hoá pháp luật hiện hành theo từng lĩnh vực đồng thời có đánh giá, tổng kết, phân tích để đưa ra những định hướng cho việc xây dựng văn bản luật. Và cũng trên cơ sở đó, Chính phủ, Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Quốc hội

sẽ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên vào nhu cầu cần điều chỉnh bằng pháp luật của các quan hệ xã hội để lập dự kiến ban hành luật.

- Cần xác định rõ định hướng trong việc lập chương trình xây dựng văn bản luật. Trong thời gian tới vừa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ nay đến 2020, phải vừa thể hiện tính toàn diện, thống nhất và đồng bộ trên cơ sở tổng kết thực tiễn lập pháp và thi hành pháp luật ở nước ta. Nội dung của chương trình phải bao quát được các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân) nhưng phải có thứ tự ưu tiên hợp lý dựa trên các căn cứ: Thứ nhất, các lĩnh vực

trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sức bứt phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để ưu tiên tập trung nguồn lực xây dựng thể chế; Thứ hai, những lĩnh vực cơ bản, quan trọng, ổn định cần được điều chỉnh bằng luật, không đưa vào Chương trình xây dựng luật đối với các dự án luật trong các lĩnh vực mà quan hệ xã hội còn biến động, chưa chín muồi; Thứ ba, năng lực thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để bảo đảm tính khả thi, hợp lý trong việc đưa văn bản vào Chương trình xây dựng luật tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan, khiến chất lượng và tiến độ của dự án bảo đảm.

- Chương trình xây dựng văn bản luật phải được lập theo hướng mở, kịp thời đáp ứng nhu cầu xây dựng thể chế đặt ra trong quản lý nhà nước. Do vậy, cần có quy định khác nhau về việc lập Chương trình hằng năm và Chương trình nhiệm kỳ. Chương trình nhiệm kỳ phải có tính định hướng, chiến lược và linh hoạt; Chương trình hằng năm phải bám sát thực tiễn cuộc sống, sự cân đối trong thực hiện chương trình giữa các năm trong nhiệm kỳ Quốc hội và có tính khả thi cao, tránh dồn quá nhiều dự án vào năm cuối nhiệm kỳ.

- Phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lập và thực hiện chương trình cũng là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm

chất lượng cho chương trình. Do vậy, Nhà nước cần quy định chặt chẽ hơn nữa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các cơ quan có trách nhiệm tham gia xem xét dự kiến chương trình, cơ quan đề nghị xây dựng luật có trách nhiệm giải trình, bảo vệ dự kiến chương trình do mình đề xuất.

- Phải tập trung vào chương trình xây dựng văn bản luật, hạn chế chương trình xây dựng pháp lệnh. Đối với các Pháp lệnh đã qua thực tiễn kiểm nghiệm cần tổng kết nâng thành luật; trừ một số ít văn bản cần thiết phải quy định mang tính chất "luật khung", còn lại cần quy định cụ thể khi ban hành có thể thi hành ngay; đối với một số lĩnh vực thì không nhất thiết phải xây dựng các bộ luật lớn mà có thể xây dựng nhiều đạo luật có phạm vi điều chỉnh hẹp để đẩy nhanh tiến độ, quy định chi tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành sau khi văn bản luật được ban hành.

- Trong quy trình xem xét, thông qua Chương trình xây dựng văn bản luật, cần quy định rõ thời hạn, nội dung, trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật trong việc đề xuất đưa các dự án vào Chương trình; có quy trình tiếp thu sáng kiến pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định Chương trình nhằm phản ánh tốt nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, phải coi việc lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản luật là giai đoạn phân tích chính sách trong quá trình tiền soạn thảo. Việc phân tích chính sách được làm tốt từ giai đoạn này, có cơ sở khoa học, thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt chính sách trong quá trình Quốc hội xem xét thông qua luật sau này. Về mặt nguyên tắc, công đoạn phân tích chính sách phải được thực hiện trước khi bắt đầu soạn thảo dự án về mặt kỹ thuật. Do đó, trong việc lập Chương trình hằng năm, Quốc hội cần thảo luận, thông qua chính sách cơ bản làm cơ sở, định hướng tư tưởng cốt lõi của dự án.

- Quy trình lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản luật phải đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm thu hút trí tuệ tập thể của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình sáng kiến lập pháp. Dự kiến Chương trình cần

phải công khai, đưa lên trang web của Chính phủ để tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Theo phân tích của “Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá quy trình xây dựng luật, pháp lệnh - thực trạng và giải pháp” thì kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, đề xuất sáng kiến pháp luật được pháp luật cá nước đặc biệt quan tâm với việc mở rộng sự tham gia của nhiều chủ thể. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, sáng kiến lập pháp rất phong phú và phát sinh từ nhiều đối tượng khác nhau. Mỗi nhiệm kỳ Nghị viện có hàng nghìn dự án luật được đưa ra nhưng chỉ có một số lượng nhỏ trong số đó trở thành luật. Chẳng hạn, tại nhiệm kỳ của Nghị viện lần thứ 102 của Hoa Kỳ có đến 10.238 dự án luật được trình và chỉ có 1.405 dự án luật (chiếm 13,8%) được xem xét và báo cáo lại với Nghị viện và chỉ có 590 dự án luật (chiếm 5,8%) trở thành luật. Các sáng kiến lập pháp của các nghĩ sĩ có thể bắt nguồn từ các cuộc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động bầu cử mà ở đó ứng cử viên hứa hẹn nếu trúng cử sẽ trình để ban hành văn bản luật về một vấn đề cụ thể. Các cử tri tại khu vực bầu cử của nghị sĩ với tư cách cá nhân hay thông qua một nhóm công dân hoặc hiệp hội, đều có quyền kiến nghị hoặc chuyển kiến nghị của mình đến nghị sĩ Quốc hội. Cơ quan hành pháp cũng là một chủ thể quan trọng trong việc đưa ra sáng kiến lập pháp. Điều đó cho thấy, có thể đa dạng hoá các nguồn đề xuất luật để có thể lọc ra những dự án luật cần thiết đáp ứng nhu cầu giải quyết bức xúc của thực tiễn [21, tr.140].

Hay tại Australia, các ý tưởng lập pháp của Chính phủ Australia xuất phát từ rất nhiều nguồn khác nhau và là kết quả từ việc phân tích chính sách của một bộ thuộc Chính phủ liên bang, từ quá trình thảo luận của nội các, từ chính sách tranh cử của đảng cầm quyền, từ yêu cầu của các nhóm lợi ích, kiến nghị của công dân.

Điều này khác với ở Việt Nam, việc đề xuất sáng kiến lập pháp chỉ tập trung bó hẹp ở Chính phủ, Toà án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội đồng, Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Sự bó hẹp này làm hạn chế nguồn cung cấp những sáng kiến lập pháp cho việc lập Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và cả khoá Quốc hội [21, tr.140].

- Bảo đảm tính đồng bộ giữa việc lập Chương trình xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành văn bản luật với Chương trình xây dựng văn bản luật. Cần giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, liên thông với Chương trình xây dựng văn bản luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản luật của Quốc hội, Chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ.

Sau khi Quốc hội khoá XII (2007 - 2011) được thành lập, hàng loạt các quan điểm chỉ đạo xây dựng luật được hình thành một cách đúng đắn; và các cơ quan hữu quan cũng đã nghiên cứu đề xuất các tiêu chí xem xét, đánh giá chương trình xây dựng luật trong đó có năm tiêu chí chung đánh giá tính khả thi của chương trình và chín tiêu chí cụ thể đánh giá tính khả thi của một dự án. Có thể nêu 5 tiêu chí chung là:

1. Mức độ phù hợp với chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

2. Mức độ bao quát các lĩnh vực của đời sống và sự phù hợp với khả năng của các cơ quan của Quốc hội;

3. Khả năng thực tế của Quốc hội trong việc xem xét thông qua các văn bản luật;

4. Giảm dần số lượng văn bản pháp lệnh trong chương trình; 5. Tính ưu tiên các lĩnh vực trong chương trình.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)