Nâng cao năng lực và trình độ làm luật của Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội nói riêng

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 98 - 99)

đại biểu Quốc hội nói riêng

Nâng cao năng lực, trình độ làm luật của Quốc hội cũng như của đại biểu Quốc hội bằng cách tăng thêm số lượng các đại biểu chuyên trách, tạo lập cơ chế khuyến khích các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp. Ðể thực hiện quyền này, cần đổi mới quan niệm về việc trình kiến nghị dự án luật. Dự án luật mà đại biểu Quốc hội trình ra Quốc hội không nên quan niệm là một đạo luật với nhiều chương, mục và điều, đồ sộ, có nội dung rộng lớn như dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội lâu nay.

Nâng cao năng lực làm luật của đại biểu Quốc hội nói chung và của Đại biểu Quốc hội nữ nói riêng bằng việc tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo khoa học về kinh tế thị trường về kỹ thuật lập pháp, về xây dựng nhà nước pháp quyền, về hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực…Mặt khác, cần phải có cơ chế chính sách thu hút các hiệp hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, thẩm định, thẩm tra các dự án luật giúp cho các đại biểu Quốc hội các luận cứ khoa học và thực tiễn để quyết định lựa chọn, chính sách, mô hình pháp lý tối ưu điều chỉnh các quan hệ xã hội khi xem xét, thẩm tra và quyết định thông qua luật.

Tăng cường việc duy trì thường xuyên các hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (có địa chỉ liên lạc, hộp thư điện tử, tuân thủ quy trình tiếp nhận và trả lời cử tri…) nhằm nâng cao sự hiểu biết thực tiễn cuộc sống để có thể đưa ra các sáng kiến lập pháp và các dự luật phù hợp quyền lợi quốc gia, đáp ứng quyền lợi các cử tri của mình.

Tăng cường số lượng chuyên viên giúp việc cho Quốc hội tại các Vụ của các Uỷ ban và Ban công tác lập pháp nhằm nâng cao chất lượng của văn bản luật;

Đề cao trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong việc chuẩn bị, thẩm tra dự án luật. Nếu lượng thời gian thảo luận dự án luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là một, thì thảo luận tại phiên họp thẩm tra nên là bốn.

Đẩy mạnh hoạt động giải thích luật, pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi phải thực hiện có hiệu quả, ăn khớp, đồng bộ hàng loạt các vấn đề. Trong đó, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chủ yếu ở hai loại vấn đề mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định. Đó là đóng góp ý kiến của mình khi được lấy ý kiến và suy nghĩ cân nhắc từng điều, khoản, chương, mục để quyết định khi thông qua dự án luật tại kỳ họp của Quốc hội. Đây là hai loại việc có tính chất quyết định cho sự ra đời một đạo luật, vì vậy, đại biểu Quốc hội phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp lý và kỹ năng lập pháp; phải ngày càng tinh thông nghiệp vụ và sâu sát cuộc sống thực tế. Có như vậy mới hy vọng nhiệm vụ lập pháp, một nhiệm vụ trọng đại nhất của đại biểu Quốc hội ngày càng hoạt động tốt hơn.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 98 - 99)