Về hoạt động thẩm tra, thẩm định văn bản luật

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 88 - 91)

Sự đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật không đơn giản, thường gây nhiều tranh cãi và có ảnh hưởng tới "số phận" của dự án luật nên đòi hỏi người làm nhiệm vụ này không chỉ có chuyên môn sâu mà cả sự kiên định, vững vàng. Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với mỗi thành viên Uỷ ban Pháp luật cũng như đội ngũ chuyên viên giúp việc của Uỷ ban.

Việc tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của Uỷ ban Pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua là một yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập và phát triển kinh tế đất nước phải coi việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các dự án luật trước khi ban hành là giai đoạn bắt buộc trong quy trình lập pháp. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay chưa có một cơ chế giám sát hiến

pháp hiệu quả thì Uỷ ban Pháp luật - một thiết chế "tự thân" của Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng, hàng đầu trong việc giám sát chính các văn bản do mình ban hành. Việc tiếp tục nâng cao vai trò của Uỷ ban Pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật còn là tiền đề nghiên cứu, hoàn thiện và cho ra đời một thiết chế bảo hiến hiệu lực, hiệu quả hơn ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải "xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền", "xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp" [4].

Để nâng cao hơn nữa vai trò của Uỷ ban Pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật trước khi trình Quốc thông qua, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung về phương thức của Uỷ ban Pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật theo hướng Uỷ ban Pháp luật phải chủ động tiến hành hoạt động xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật. Ý kiến của Uỷ ban Pháp luật về vấn đề này phải được thể hiện bằng văn bản và được gửi cùng với các tài liệu khác khi trình dự án luật ra trước Quốc hội. Cùng với hoạt động thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra, hoạt động xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật cũng được Uỷ ban Pháp luật tiến hành song song, độc lập, góp phần tạo nên tính chuyên môn hoá trong hoạt động của các Uỷ ban khác của Quốc hội, để mỗi Uỷ ban thực sự là một người "gác cổng" cho Quốc hội ở lĩnh vực được phân công.

Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của các chủ thể chủ trì xây dựng văn bản luật về ý nghĩa, vai trò của công tác thẩm định, thẩm tra. Phải xác

định rõ rằng chỉ có thông qua hoạt động thẩm tra, thẩm định thì chất lượng dự thảo mới được nâng cao hiệu quả pháp luật.

Tăng cường năng lực của Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là các bộ phận giúp việc Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong việc thẩm tra các dự thảo luật đảm bảo tính hợp hiến của các dự thảo luật.

Cơ quan, tổ chức trình dự án luật khi gửi tài liệu cho cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng thời gửi tài liệu cho Uỷ ban Pháp luật đúng thời gian quy định để Uỷ ban họp thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với dự án luật; trường hợp cần thiết cử người có thẩm quyền thuyết trình dự án trước Uỷ ban Pháp luật hoặc Thường trực Uỷ ban Pháp luật và giải trình những vấn đề mà Uỷ ban Pháp luật nêu.

Phải chuẩn hoá các nội dung thẩm tra, thẩm định như phạm vi, đối tượng, giá trị pháp lý, hiệu lực của thẩm định, thẩm tra.

Cần nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức làm công tác thẩm tra, thẩm định. Lựa chọn những người có trình độ pháp lý cao, bề dày thực tiễn, am hiểu các vấn đề kinh tế - xã hội. Tiến tới Nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp về công tác thẩm tra, thẩm định. Đồng thời Nhà nước cũng tạo điều kiện cần thiết như phương tiện làm việc, các nguồn cung cấp thông tin, bảo đảm tiền lương… cho đội ngũ chuyên tâm làm công tác nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định.

Ngoài ra, cũng cần quy định rõ hậu quả pháp lý và cách thức, trình tự xử lý trong trường hợp Uỷ ban Pháp luật cho rằng một điều khoản hay một văn bản không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp hoặc mâu thuẫn chồng chéo. Cần tạo điều kiện để các thành viên Uỷ ban Pháp luật được tiếp cận sớm với dự án luật. Đồng thời nâng cao chất lượng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc của Uỷ ban Pháp luật đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Về lâu dài, Quốc hội nên ban hành Luật Thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cần tiếp thu các quy định hiện

hành còn giá trị và tham khảo các quy định của nước ngoài phù hợp với điều kiện lập pháp, lập quy ở Việt Nam.

Hoạt động đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật nếu được tiến hành một cách hiệu quả ngay trong giai đoạn soạn thảo, ban hành sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như khẳng định uy tín, chất lượng của các cơ quan nhà nước. Và điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc ban hành các đạo luật của Quốc hội.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)