Mục đích, vai trò, ý nghĩa của quy trình xây dựng văn bản luật

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 32 - 33)

d. Quan điểm lập pháp ở Việt Nam

1.2.2.Mục đích, vai trò, ý nghĩa của quy trình xây dựng văn bản luật

Công tác xây dựng văn bản luật có ý nghĩa to lớn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc xây dựng và tuân thủ quy trình xây dựng văn bản luật sẽ đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của văn bản; tức là văn bản ban hành phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật.

Đồng thời việc xây dựng và tuân thủ quy trình xây dựng văn bản luật tốt sẽ đảm bảo chất lượng của văn bản, phù hợp với tình hình phát triển của xã hội. Bởi chất lượng của văn bản luật chịu sự chi phối mang tính quyết định của các nhân tố khách quan và chủ quan. Nhân tố khách quan là quy trình xây dựng văn bản luật; nhân tố chủ quan là năng lực, trình độ, kỹ năng lập pháp của các nhà soạn thảo luật. Như vậy, muốn xây dựng một dự án luật tốt cần phải có một quy trình xây dựng văn bản luật khoa học và phải được vận hành bởi các nhà soạn thảo chuyên nghiệp, có năng lực, chuyên môn cao.

Mặt khác, xây dựng một quy trình tốt sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy trình xây dựng văn bản luật hiện hành. Quy trình xây dựng văn bản luật hiện nay chưa khoa học, còn nhiều điểm hạn chế cần phải khắc phục

như: Chưa đề cao được trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp; chương trình lập pháp chưa đảm bảo được kỷ cương, kỷ luật, đưa vào, rút ra còn tuỳ tiện; dân chủ trong lập pháp còn hình thức, chất lượng của luật chưa cao; Việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn rất hình thức (mang tính nội bộ của ngành, lĩnh vực,…); Việc tiếp thu, lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự án luật sẽ ban hành còn hạn chế; hoặc nếu có thì hình thức, đặc biệt là việc tiếp thu sau khi có ý kiến (nếu thực hiện) cũng không được khoa học và khách quan; Việc thẩm tra, thẩm định chưa nghiêm túc, đôi khi còn “chiều theo” ý của cơ quan soạn thảo; Tính cục bộ, bản vị trong quá trình xây dựng văn bản luật vẫn còn tồn tại, chưa phát huy trí tuệ tập thể;… Xây dựng một quy trình tốt sẽ khắc phục những điểm tồn tại, hạn chế trên.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng văn bản luật ở Việt Nam hiện nay (Trang 32 - 33)