Thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản là việc cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét toàn diện dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản.
Thẩm tra và thẩm định đều là những hoạt động nhằm đánh giá góp phần hoàn thiện nội dung cũng như hình thức của dự thảo. Mặc dù có một số điểm tương đồng với những hoạt động được tiến hành với mục đích kiểm tra trước văn bản, song có thể phân biệt thẩm định, thẩm tra qua những đặc trưng về: chủ thể, đối tượng, nội dung, tính chất và vị trí, vai trò của hai hoạt động này trong quá trình xây dựng văn bản luật.
Với tư cách là một giai đoạn quan trọng trong quy trình xây dựng văn bản luật, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản luật có ý nghĩa là căn cứ, cơ sở chuẩn mực cho mối quan hệ giữa chủ thể ban hành văn bản luật với đối tượng thực hiện văn bản đó.
Mặt khác, thẩm định, thẩm tra còn có ý nghĩa làm giảm bớt sự căng thẳng giữa các ý kiến khác nhau của các cơ quan khi giải quyết những vấn đề
có tính chất liên ngành bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết và thiết kế lại một hoặc nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đồng thời có thể giảm bớt chi phí về thời gian và vật chất cho việc soạn thảo và hướng dẫn thi hành các văn bản khi được thông qua và có hiệu lực.
Hơn nữa, thẩm định, thẩm tra còn mang một số giá trị sau: thứ nhất là việc buộc chủ thể soạn thảo hoặc ban hành dự thảo phải tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định; thứ hai, có quyền phủ quyết một phần hoặc toàn bộ nội dung của dự thảo; thứ ba, đưa ra kiến nghị, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem
xét, quyết định và tạo ra cơ chế phối hợp giải quyết công việc có tính chất liên ngành giữa chủ thể soạn thảo hoặc ban hành dự thảo với các cơ quan, tổ chức hữu quan; thứ tư, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi
hành hoặc ban hành mới dự thảo.