Giao kết hợp đồng tín dụng

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 55)

- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

3.2.1.3 Giao kết hợp đồng tín dụng

Giao kết hợp đồng tín dụng là một quá trình mang tính chất kỹ thuật nghiệp vụ - pháp lý do các bên thực hiện theo một trình tự luật định, bao gồm các giai đoạn chủ yếu sau đây:

Đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng: là hành vi pháp lý do một bên thực hiện dưới hình thức văn bản chính thức gửi cho bên kia. Thông thường, bên đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn và văn bản đề nghị chính là đơn xin vay, kèm theo các giấy tờ tài liệu chứng minh tư cách chủ thể và khả năng tài chính hay phương án sử dụng vốn vay. Các tài liệu này được bên xin vay gửi cho tổ chức tín dụng và được coi như một bằng chứng đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật thực định chưa dự liệu nhưng thực tiễn giao kết hợp đồng tín dụng ở Việt nam còn cho thấy rằng bên đề nghị giao kết hợp đồng cũng có thể là tổ chức tín dụng. Trên thực tế để tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tín dụng, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh,… đã từng chủ động tìm kiếm khách hàng để giao kết hợp đồng tín dụng với tư cách là bên đề nghị. Trong trường hợp này, văn bản đề nghị là thư chào mời được gửi cho các tổ chức, cá nhâ có khả năng tài chính mạnh mà tổ chức tín dụng lựa chọn là bên đối tác. Trong thư chào mời, bên đề nghị (tổ chức tín dụng) thường đưa ra những điều kiện có tính chất tổng quát nhất kèm theo những điều khoản dự thảo cụ thể để cho bên kia xem xét chấp nhận.

Thẩm định hồ sơ tín dụng: là tất cả những hành vi mang tính nghiệp vụ - pháp lý do tổ chức tín dụng thực hiện nhằm xác định các điều kiện vay vốn đối với bên vay trên cơ sở đó mà quyết định cho vay hay không. Do tính đặc biệt quan trọng của giai đoạn này trong suốt quá trình từ cho vay đến thu nợ, cho nên pháp luật đòi hỏi bên cho vay là tổ chức

tín dụng phải triệt để tuân thủ nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới giữa khâu thẩm định và khâu quyết định cho vay.

Ngoài ra trong trường hợp cần thiết hoặc pháp luật quy định, tổ chức tín dụng có thể thành lập hội đồng tín dụng để thẩm định hoặc thuê, trưng cầu các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định. Theo khoản 3, điều 15, qui chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành kèm theo Quyết định số 324/1998/QĐ-NHNN ngày 30/09/1998 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước), thời hạn thẩm định hồ sơ là 10 ngày làm việc (đối với khoản vay ngắn hạn) và 45 ngày (đối với khoản vay trung, dài hạn). Trong trường hợp từ chối cho vay thì tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản và phải nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng. Sau khi đã thẩm định hồ sơ tín dụng của khách hàng, bên cho vay có toàn quyền quyết định chấp nhận hoặc từ chối cho vay, dựa vào kết quả thẩm định, phân tích và điều tra đối với khách hàng.

Chấp nhận cho vay (chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng) là hành vi pháp lý do tổ chức tín dụng (thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện dưới hình thức văn bản chính thức gửi cho bên vay với nội dung đồng ý cho vay kèm theo lời đề nghị gặp gỡ để thoả thuận các điều khoản cụ thể của hợp đồng tín dụng. Xét về bản chất pháp lý, hành vi chấp nhận cho vay trên văn bản chỉ có giá trị tuyên bố đồng ý ký kết hợp đồng chứ không thay thế cho việc giao kết hợp đồng. Vì thế mặc dù tuyên bố chấp nhận cho vay nhưng do hợp đồng tín dụng (với ý nghĩa là văn kiện chính thức của giao dịch) vẫn chưa được thiết lập nên các bên chưa bị ràng buộc với các điều khoản của hợp đồng.

Đàm phán các điều khoản của hợp đồng tín dụng. Đây là giai đoạn cuối cùng cũng là giai đoạn trọng tâm của quá trình giao kết hợp đồng tín dụng. Trong giai đoạn này, các bên gặp nhau để đàm phán các điều khoản của hợp đồng tín dụng. Giai đoạn này được coi là kết thúc khi đại diện của các bên đã chính thức ký tên vào văn bản hợp đồng tín dụng.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 55)