Doanh nghiệp nhà nước

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 32)

- Ở Việt nam, điều 1 Luật doanh nghiệp nhà nước (26/11/2003) định nghĩa: "Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn".

- Theo quy định của pháp luật Việt nam, doanh nghiệp nhà nước có các đặc trưng pháp lý chủ yếu sau:

(i) Thứ nhất: Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối.

Hội đồng quản trị (Chủ tịch công ty)

Giám đốc Chủ sở hữu công ty

+ Doanh nghiệp nhà nước là một tổ chức kinh tế nên phải lấy các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm chủ yếu.

+ Mức độ sở hữu vốn của nhà nước trong doanh nghiệp: nhà nước là chủ sở hữu đối với toàn bộ vốn điều lệ hoặc nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp a) do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoặc b) nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Nói cách khác, trong doanh nghiệp nhà nước, nhà nước phải là người nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, và đương nhiên, nhà nước sẽ có quyền kiểm soát doanh nghiệp, nhà nước xử sự như một cổ đông đa số trong doanh nghiệp. Quyền chi phối đối với doanh nghiệp là quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp.

(ii) Thứ hai: doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

+ Công ty nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp nhà nước. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty.

+ Doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần có 2 dạng: i) công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp (không do nhà nước trực tiếp thành lập mà do các công ty nhà nước liên kết lại). ii) công ty cổ phần có vốn chi phối của nhà nước là công ty cổ phần trong đó nhà nước là cổ đông nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và giữ quyền chi phối doanh nghiệp. Loại doanh nghiệp này cũng được tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có 2 dạng: i) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do một công ty nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và đăng ký hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp. ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp.

(iii) Thứ ba: Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân, có quyền quản lý vốn và tài sản do nhà nước giao.

+ Các doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn đương nhiên có tư cách pháp nhân bởi vì ở đó có sự tách bạch tài sản giữa các doanh nghiệp này với chủ sở hữu sáng lập ra nó.

+ Ở đây, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về công ty nhà nước. Công ty nhà nước có tư cách pháp nhân tức là nó có tư cách để trở thành một chủ thể pháp lý độc lập, sở hữu một khối tài sản thống nhất, độc lập với phần tài sản còn lại của người sáng lập ra nó, và đương nhiên, công ty nhà nước có quyền độc lập chi phối khối tài sản đó. Tuy nhiên trên thực tế khi xem xét toàn bộ qui chế pháp lý về quản lý vốn và tài sản cũng như quyền tự chủ tài chính của công ty nhà nước thì vấn đề tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều điều cần phải bàn thêm.

(1) Vấn đề sở hữu về tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Đây là một vấn đề mấu chốt liên quan đến hàng loạt vấn đề về tổ chức và hoạt động của công ty nhà nước. Một nguyên tắc luôn luôn được đề cao, đó là: tài sản nhà nước trong công ty nhà nước là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, công ty chỉ có quyền quản lý và sử dụng. Tức là ở đây, chúng ta đang nói tới mối quan hệ giữa quyền sở hữu vốn và quyền tự chủ về vốn của công ty nhà nước. i) Quyền sở hữu đối với vốn của công ty nhà nước thuộc về nhà nước. ii) Quyền tự chủ về vốn của công ty nhà nước là quyền quản lý, sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật đối với tài sản do doanh nghiệp quản lý. Pháp luật cho phép công ty nhà nước được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt vốn và tài sản trên cơ sở bảo tồn và phát triển vốn, có quyền sử dụng vốn và tài sản để đầu tư, liên doanh, góp cổ phần theo qui định của pháp luật, được sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư,… Quyền tự chủ về vốn là một nội dung quan trọng của quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

(2) Sự tách bạch giữa tài sản của công ty nhà nước với phần tài sản còn lại của nhà nước. Sự tách bạch này được thể hiện thông qua thủ tục giao vốn mà bản chất pháp lý của nó chính là hành vi góp vốn để thành lập công ty nhà nước và việc chuyển quyền sở hữu đối với những tài sản thuộc vốn góp.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 32)