- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
3.5.1 Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoá
- Khái niệm hàng hoá
+ Hàng hoá, nếu hiểu theo nghĩa rộng, là sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích trao đổi để thoả mãn những nhu cầu mang tính xã hội. Nhu cầu của con người phong phú và biến thiên liên tục, vì vậy hàng hoá cũng luôn phát triển và đa dạng. Dưới góc độ pháp luật, dựa vào đặc trưng từng loại mà hàng hoá được phân thành: bất động sản (đất đai, nhà ở, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất đai) và động sản; tài sản hữu hình và tài sản vô hình (hoặc các quyền tài sản). Hàng hoá có thể là vật, là lao động của con người, là các quyền tài sản mang tính vô hình.
+ Khái niệm hàng hoá được dùng trong luật thương mại Việt nam được hiểu là: (i) tất cả các loại động sản kể cả động sản hình thành trong tương lai, trừ tiền, (ii) Những vật gắn liền với đất đai, (iii) các quyền tài sản.
- Khái niệm mua bán hàng hoá
+ Mua bán hàng hoá là quan hệ chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá để lấy tiền, "theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người mua và nhận tiền, còn người mua có nghĩa vụ nhận hàng hoá và trả tiền cho người bán theo thoả thuận của hai bên". (điều 46 LTM, điều 421 BLDS)
- Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoá
+ Hợp đồng mua bán hàng hoá là hình thức pháp lý của quan hệ mua bán hàng hoá, là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hoá và chuyển quyền sở hữu hàng hoá đó cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hoá và trả tiền cho bên bán
+ Quyền và nghĩa vụ của người bán
i) Nghĩa vụ giao hàng của người bán. Người bán phải giao cho người mua đúng loại hàng, đúng số lượng, chất lượng, thời hạn, phương thức, quy cách, bao bì theo thoả thuận trong hợp đồng cũng tất cả chứng từ liên quan đến hàng hoá. Nghĩa vụ giao hàng của người bán được thực hiện nếu người bán đã thực hiện tất cả các hành vi cần thiết để hàng hoá được chuyển sang cho người mua tự do định đoạt. Những hành vi này có thể là: người bán trực tiếp giao hàng cho người mua tại địa điểm giao hàng, người bán uỷ quyền cho người thứ ba giao hàng nếu được người mua chấp nhận, người bán giao hàng cho người vận chuyển theo các điều kiện đã thoả thuận.
ii) Chuyển quyền sở hữu và rủi ro. Nghĩa vụ cơ bản của người bán là chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua (điều 46 LTM). Thời điểm chuyển quyền sở hữu do các bên thoả thuận, có thể đồng thời với thời điểm giao hàng hoặc vào một thời điểm nào đó hoặc chỉ được tiến hành khi thoả mãn những điều kiện nhất định (bên bán thường ràng buộc việc chuyển giao quyền sở hữu với điều kiện bên mua đã thành toán đầy đủ tiền hàng). Gắn liên với thời điểm chuyển quyền sở hữu là trách nhiệm gánh chịu rủi ro đối với hàng hoá (ví dụ hàng thất thoát, hư hỏng, tiêu hao trên đường vận chuyển hoặc lưu kho). Người mua phải chịu rủi ro đối với hàng hoá kể từ thời điểm quyền sở hữu hàng hoá được chuyển từ người ban sang cho người mua.
iii) Bên cạnh các nghĩa vụ trên, người bán có quyền được nhận tiền
+ Quyền và nghĩa vụ của người mua: Nếu việc giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hoá là nghĩa vụ cơ bản của người bán thì việc nhận hàng và thannh toán tiền là nghĩa vụ cơ bản tương xứng của người mua. Để việc giao hàng diễn ra thuận tiện, bên mua có trách nhiệm hỗ trợ bên bán trong các thủ tục giao hàng, ví dụ hướng dẫn cụ thể
về phương thức vận chuyển, điều kiện bốc dỡ, lắp đặt hàng hoá, các thủ tục pháp lý cần phải hoàn tất.
i) Nhận hàng: thường được hiểu là hành vi thực tế của người mua, tiếp nhận quyền chiếm hữu hàng hoá từ người bán hoặc người vận chuyển. Hành vi nhận hàng không đồng nghĩa với hành vi chấp nhận hàng hoá. Sau khi nhận hàng và kiểm tra hàng hoá trong một thời gian hợp lý, người mua vẫn có quyền thông báo về hàng không phù hợp với hợp đồng và không chấp nhận hàng. Nhận hàng là một nghĩa vụ của người mua, việc vi phạm nghĩa vụ đó sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý. Nếu người bán đã sẵn sàng giao hàng mà người mua chậm nhận hoặc không nhận thì người bán phải có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và yêu cầu bên mua thanh toán chi phí hợp lý. Nếu hàng có nguy cơ hư hỏng, người bán có quyền bán hàng hoá đó để ngăn chặn thiệt hại. Người mua chịu rủi ro từ thời điểm chậm tiếp nhận hàng hoá.
ii) Thanh toán tiền hàng theo thoả thuận trong hợp đồng. Trong hợp đồng mua bán hàng hoá các bên thường thoả thuận điều khoản giá cả, đồng tiền thanh toán, nơi thanh toán, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, lãi suất phải trả khi thanh toán chậm, bớt giá nếu thanh toán trước thời hạn hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Nếu người mua chậm thanh toán tiền thì người bán có quyền đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không quy định khác.