- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
3.6.3.2 Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá
Các quan hệ uỷ thác mua bán hàng hoá được tổ chức trên cưo sở hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng này được gọi là bên uỷ thác và bên được uỷ thác. Bên được uỷ thác là một thương nhân thực hiện dịch vụ uỷ thác để nhận lệ phí (bên làm dịch vụ). Bên uỷ thác là người giao dịch vụ, yêu cầu bên được uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và trả lệ phí (bên thuê dịch vụ). Bên được uỷ thác phải là một thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với mặt hàng được uỷ thác, ngược lại bên uỷ thác không nhất thiết phải là thương nhân.
Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá xét về bản chất là một hợp đồng dịch vụ. đây là hợp đồng vừa có thể mang tính dân sự đối với một bên (nếu bên uỷ thác không phải là thương nhân), vừa mang tính thương mại đối với bên kia (bên được uỷ thác). Ví dụ việc bán sản phẩm hoặc tác phẩm của người thợ thủ công hoặc nghệ nhân có thể là hành vi thuần tuý dân sự, song việc bán hàng ký gửi cho người khác của chủ cửa hàng nhận ký gửi bao giờ cũng là hành vi thương mại. Đối với các quan hệ pháp lý như vậy, quyền lợi hợp pháp của các chủ thể được bảo đảm bằng cách: thương nhân không được viện dẫn các quy định đặc thù của LTM và áp dụng các quy định này đối với bên dân sự, song ngược lại, nếu có lợi cho minh, các bên dân sự có quyền lựa chọn: (i) hoặc áp dụng các quy định của BLDS mà không áp dụng LTM, (ii) hoặc áp dụng LTM nếu họ muốn. Nếu khởi kiện các bên uỷ thác không phải là thương nhân, bên được uỷ thác chỉ có thể kiện tại toà dân sự. Song ngược lại nếu bên uỷ thác khởi kiện bên được uỷ thác thì có thể lựa chọn toà kinh tế hoặc toà dân sự.
Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản. Hợp đồng này có thể có các nội dung chủ yếu sau:
(i) tên, địa chỉ của các bên,
(ii) hàng hoá được uỷ thác mua bán: là hàng hoá được lưu thông trên thị trường Việt Nam. Bên được uỷ thác phải có giấy phép kinh doanh phù hợp với hàng hoá đó. Để xác định tính phù hợp cần căn cứ vào chủng loại hàng hoá và các tập quán thương mại. Nếu bên được uỷ thác không được phép kinh doanh mặt hàng phù hợp, hợp đồng uỷ thác có thể bị vô hiệu.
(iii) số lượng, chất lượng, quy cách, giá cả và các điều kiện khác, (iv) thời hạn hiệu lực của hợp đồng uỷ thác.
(v) Quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định chi tiết trong LTM. Bên được uỷ thác có nghĩa vụ thực hiện mua bán hàng hoá đúng theo chất lượng, só lượng, quy cách, giá cả, địa điểm và các thoả thuận khác trong hợp đồng uỷ thác. Bên được uỷ thác phải tự mình tiến hành các dịch vụ uỷ thác đã đảm rnhận, không được giao cho người thứ ba làm thay nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của bên uỷ thác. Bên được uỷ thác có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác. Bên được uỷ thác có quyền yêu cầu bên uỷ thác cung cấp các thông tin, tài liệu hoặc phương tiện cần thiết, có quyền yêu cầu trả phí uỷ thác. Phí uỷ thác do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận thì áp dụng nguyên tắc chung: bên uỷ thác phải trả một khoản tiền công ở mức trung bình đối với công việc cùng loại tại thời điểm và địa điểm hoàn thành dịch vụ uỷ thác. Thời điểm phát sinh phí uỷ thác do các bên thoả thuận, ví dụ bên uỷ thác ứng trước một phần phí uỷ thác trước khi dịch vụ được hoàn thành.
Trong khi thực hiện dịch vụ uỷ thác mua bán hàng hoá thường xuất hiện một quan hệ ba bên giữa bên uỷ thác, bên được uỷ thác và các bên thứ ba (người mua hoặc bán hàng hoá được uỷ thác). Bên được uỷ thác nhân danh chính mình tham gia các giao dịch với bên thứ ba, song phải tuân thủ những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác. Vì vậy, ở đây xuất hiện vấn đề: liệu bên được uỷ thác có liên đới chịu trách nhiệm trước bên uỷ thác đối với những thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của người thứ ba gây ra cho bên uỷ thác hay không? Ví dụ, hàng nhận bán ký gửi đã được bán, song khách hàng không thanh toán tiền hoặc bên được uỷ thác mua sắm thiết bị cho bên uỷ thác, song hàng hoá của người cung cấp không đạt chất lượng đã thoả thuận. Có lẽ nhằm tìm một giải pháp chung cho vấn đề này, LTM quy định bên được uỷ thác không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã giao cho bên uỷ thác, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tuy nhiên cần làm rõ khái niệm trách nhiệm, bao gồm sự gánh chịu rủi ro đối với tài sản hay cả nghĩa vụ bảo đảm chất lượng và các tiêu chí khác về hàng hoá mà các bên đã thoả thuận.
Đối với những vấn đề mà pháp luật chưa quy định cụ thể, giải pháp tối ưu nhất là các bên thoả thuận chi tiết nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Việc không thoả thuận chi tiết đồng nghĩa với sự tiềm ẩn những rủi ro pháp lý. Nếu bên được uỷ thác đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của rmình hoàn toàn không có lỗi trong khi lựa chọn các bên thứ ba để mua bán hàng hoá thì ít có lý do để buộc họ phải chịu trách nhiệm liên đới cho những vi phạm hợp đồng của bên thứ ba. Bên được uỷ thác không phải là người bảo lãnh hay tiếp nhận nghĩa vụ thay cho bên thứ ba, cũng không có trách nhiệm phải bảo đảm rằng bên thứ ba sẽ thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng. Tuy nhiên, nếu bên được uỷ thác có lỗi, ví dụ: (i) cố ý không nêu tên và địa chỉ của bên thứ ba (vì sợ rằng sau lần chắp nối đầu tiên, trong các giao dịch tiếp theo các bên tự giao kết hợp đồng mà không cần đến dịch vụ trung gian của bên được uỷ thác), (ii) không tuân thủ chỉ dẫn của bên uỷ thác, thì có thể phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại gây ra cho bên uỷ thác.