Khái niệm, phân loại hợp đồng lao động

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 62)

- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

3.4.1 Khái niệm, phân loại hợp đồng lao động

3.4.1.1 Khái niệm hợp đồng lao động

- Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (điều 26 Bộ luật lao động).

Đặc trưng của hợp đồng lao động

Đặc trưng thứ nhất: sự phụ thuộc pháp lý của người lao động và người sử dụng lao động (yếu tố quản lý của người sử dụng lao động với người lao động).

- Đây là đặc trưng tiêu biểu nhất của hợp đồng lao động mà các hệ thống pháp luật khác nhau đều thừa nhận. Có thể thấy trong tất cả các loại quan hệ hợp đồng, duy nhất hợp đồng lao động tồn tại đặc trưng này.

- Yếu tố chính trong hợp đồng lao động là sự lệ thuộc pháp lý của người lao động vào người sử dụng lao động. Điểm đặc sắc trong khế ước lao động là người lao động không phải chỉ cam kết làm một công việc gì hay cung cấp một dịch vụ nhất định mà còn tự đặt mình dưới sự điều khiển của người sử dụng lao động khi làm công việc ấy. Trong thực tế, uy quyền của người sử dụng lao động đối với người lao động được biểu lộ bằng quyền ra lệnh, quyền hưởng dụng kết quả công việc và nghĩa vụ trả lương cho công nhân mặc dù có thể không được lời một đồng nào từ công việc ấy.

Đặc trưng thứ hai: Đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm có trả công.

- Quan niệm về việc làm: với tư cách là đối tượng của hợp đồng lao động thì bao giờ việc làm cũng có một mối liên hệ xác định tạo ra mối lợi. Nói cách khác, cũng như mọi quan hệ mua bán khác, việc làm - như một thứ hàng hoá đem bán trên thị trường - trước hết phải có ích, mà ở đây có nghĩa là đem lại cái lợi cho người mua và người bán nó. Do đó, việc làm với ý nghĩa là đối tượng của hợp đồng lao động phải là việc làm có trả công. Như vậy, khi một người lao động tham gia quan hệ lao động đã hoàn thành công việc như đã thoả thuận thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả công cho quá trình lao động đó, bất luận việc kinh doanh của người sử dụng lao động có lãi hay không. Song về bản chất, tiền công của người lao động là giá trị của hàng hoá sức lao động, chính vì vậy, nó được điều chỉnh bằng các quy chế pháp lý tương đối đặc biệt không như giá cả của những hàng hoá thông thường.

- Việc xác định đối tượng hợp đồng lao động là việc làm có trả công, không chỉ có ý nghĩa đề phân biệt hợp đồng lao động với các hợp đồng khác có nội dung tương tự, mà còn có ý nghĩa trong việc xác định chủ thể trong quan hệ lao động.

Đặc trưng thứ ba: Hợp đồng lao động do người lao động đích danh ký kết và thực hiện - Đặc trưng này xuất phát từ bản chất của quan hệ hợp đồng lao động. Nếu như trong một quan hệ hợp đồng dân sự, người ta chỉ quan tâm đến lao động đã kết tinh trong sản phẩm, thì trong quan hệ lao động, các bên không chỉ chú ý đến lao động quá khứ mà họ còn quan tâm tới lao động sống, tức lao động đang có, đang diễn ra. Hơn nữa, hợp đồng lao động thường được thực hiện trong môi trường xã hội hoá, có tính chuyên môn hoá và hợp tác hoá cao. Vì vây, khi người sử dụng lao động thuê người lao động, người ta không chỉ quan tâm tới chuyển môn của họ mà còn quan tâm đến đạo đức, ý thức, nhân thân của người lao động. Do vậy, người lao động phải trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, không được chuyển nhượng cho người thứ ba.

- Mặt khác, trong hợp đồng lao động, ngoài những quyền và nghĩa vụ do hai bên thoả thuận thì người lao động còn được hưởng một số chế độ, quyền lợi theo quy định pháp luật như: nghỉ hàng năm, lễ tết, chế độ hưu trí,… Những quyền lợi này của người lao động chỉ được hiện thực hoá trên cơ sở sự cống hiến cho xã hội của họ (chủ yếu thể hiện thông qua thời gian làm việc, mức tiền lương,…). Vì vậy, để được hưởng những quyền lợi nói trên, người lao động phải trực tiếp thực hiện hợp đồng lao động - đây là lý do thứ hai giải thích cho đặc trưng này.

- Song, theo quy định tại khoản 4 điều 30 bộ luật lao động, người lao động có quyền chuyển nghĩa vụ lao động của mình cho người khác nếu được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Đặc điểm thứ tư: sự thoả thuận của các bên thường bị khống chế bởi những giới hạn pháp lý nhất định (pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể).

- Trong thực tế, với tất cả các quan hệ hợp đồng, sự thoả thuận của các bên bao giờ cũng phải bảo đảm các quy định của pháp luật. Đối với hợp đồng lao động, ngoài những đặc điểm nói trên thì sự thoả thuận của các bên còn bị khống chế bởi nguyên tắc: quyền lợi của người lao động là tối đa, nghĩa vụ là tối thiểu.

- Sự thoả thuận của các bên thường bị khống chế bởi những "ngưỡng" pháp lý nhất định của pháp luật lao động và thoả ước lao động tập thể như: tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động, bao hiểm xã hội….

Đặc trưng thứ năm: hợp đồng lao động được thực hiện liên tục trong một thời gian nhất định hay vô hạn định.

- Thời hạn của hợp đồng lao động có thể được xác định rõ từ ngày có hiệu lực đến một thời điểm nào đó, song cũng có thể không xác định trước thời hạn kết thúc.

- Ở đây, các bên - đặc biệt là người lao động không có quyền lựa chọn hay làm việc theo ý chí chủ quan của mình mà công việc phải được thi hành tuần tự theo thời gian đã được người sử dụng lao động xác định (ngày làm việc, tuần làm việc).

- Sự ngắt quãng, tạm ngừng trong việc thực hiện hợp đồng chỉ được áp dụng trong những trường hợp pháp luật quy định (điều 35 bộ luật lao động)

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 62)