Hợp đồng đại diện cho thương nhân

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 84)

- Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

3.6.2.1 Hợp đồng đại diện cho thương nhân

- Các hoạt động đại diện cho thương nhân được tiến hành trên cơ sở hợp đồng. Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản. Hợp đồng đại diện cho thương nhân có các nội dung chủ yếu sau:

(i) Tên, địa chỉ của các bên,

(ii) Phạm vi đại diện: có thể được hiểu theo hai nghĩa: theo lãnh thổ hoặc theo lĩnh vực hoạt động thương mại. LTM cho phép các bên có thể thoả thuận về việc người đại diện được thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của người được đại diện. Quy định như vậy chưa hẳn đã là hợp lý. Các bên thứ ba khi giao dịch với người đại diện đều phải xác định thẩm quyền của người đại diện, các giao dịch vượt quá thẩm quyền đại diện về nguyên tắc không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho bên được đại diện. Hơn nữa, phạm vi đại diện cũng không thể được mở rộng đến mức vô hạn. Người đại diện cho thương nhân không thể quyết định những vấn đề liên quan đến sự tồn tại của bản thân thương nhân được đại diện, ví dụ: chuyển nhượng sản nghiệp, chia tách, sáp nhập thương nhân đó với thương nhân khác. Những vấn đề này chưa được quy định trong LTM.

(iii)Thời hạn đại diện: do các bên thoả thuận, trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện

(iv) Mức thù lao: thường là một tỷ lệ phần trăm nhất định so với giá trị các hợp đồng đã giao kết. Các bên có thể thoả thuận phương pháp xác định thù lao tuỳ theo điều kiện cụ thể của hợp đồng. LTM không quy định cụ thể thời điểm và các điều kiện phát sinh quyền được hưởng thù lao mà dành cho các bên tham gia hợp đồng quyền tự do thoả thuận. Thông thường, quyền được hưởng thù lao phát sinh sau khi các hợp đồng giữa người được đại diện với bên thứ ba được giao kết và các điều kiện sau đây được thoả mãn: (i) hợp đồng phải được ký kết trong phạm vi đại diện, (ii) chỉ dẫn của người được đại diện được chấp hành nghiêm chỉnh, (iii) hợp đồng đó được giao kết dưới tác động của người đại diện. Tác động

trước hết được hiểu là ảnh hưởng trực tiếp của người đại diện đến ý chí muốn giao kết hợp đồng của khách hàng, ví dụ người đại diện đã thuyết phục được khách hàng. Tác động cũng có thể hiểu rộng hơn là những ảnh hưởng gián tiếp của các hoạt động mà người đại diện đã làm đến tâm lý khách hàng. Ví dụ: sau khi người đại diện có công chắp nối các quan hệ kinh doanh lần đầu, khách hàng tự đến và giao kết hợp đồng với người được đại diện hoặc giới thiệu thêm khách hàng mới. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, các bên cần định nghĩa “tác động của người đại diện” một cách hợp lý. Các bên cũng có thể thoả thuận: người được đại diện chỉ phải trả thù lao, nếu các hợp đồng với người thú ba được thực hiện. Như vậy, quyền hưởng thù lao đôi khi cũng phụ thuộc vào khả năng thực hiện hợp đồng của khách hàng mà người đại diện đã chắp nối và thời điểm hưởng thù lao đôi khi chỉ phát sinh sau khi hợp đồng với khách hàng đã được thực hiện. Các bên cũng có thể thoả thuận mọi chi phí cho hoạt động đại diện do người đại diện tự chịu, người được đại diện không có nghĩa vụ thanh toán các chi phí đó. LTM có quy định bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đại diện tại điều 92. Theo đó, nếu các bên không có thoả thuận, người đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các chi phí hợp lý để hoạt động. Những chi phí nào được coi là hợp lý do các bên thoả thuận hoặc toà án quyết định tuỳ vào điều kiện cụ thể. Người đại diện có quyền cầm giữ tài snả, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.

(v) Quyền và nghĩa vụ của các bên: được LTM quy định tương đối chi tiết

(vi) Thoả thuận hạn chế cạnh tranh: các bên có thể thoả thuận người đại diện không được thực hiện các hoạt động thương mại cạnh tranh với người được đại diện và/hoặc không được làm người đại diện cho đối thủ cạnh tranh của người được đại diện. Những điều khoản hạn chế cạnh tranh phải cụ thể hoá hành vi thương mại cạnh tranh với hoạt động của người được đại diện.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn học Luật kinh doanh (Trang 84)