Thứ nhất, Xây dựng hệ thống thu mua trực tiếp từ nông dân không qua trung gian là lái buôn.
Hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu thu mua từ các lái buôn bởi các lái buôn có thể cung cấp số lượng lớn. Tuy nhiên điều lãng phí hiện nay là không chỉ các doanh nghiệp nơi khác mà chính doanh nghiệp có trụ sở ở ngay huyện Chư Sê cũng thu mua qua thương lái với giá cao hơn là mua trực tiếp từ nông dân. Bên cạnh đó một số lái buôn mua từ nông dân từng loại khác nhau lại trộn làm một rồi bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp mua về lại phân loại lại, việc này gây lãng phí cho cả doanh nghiệp và người trồng tiêu. Nếu doanh nghiệp có thể mua trực tiếp từ người trồng tiêu thì lợi ích đầu tiên là chất lượng sản phẩm được đảm bảo, thứ hai là tránh lãng phí từ đó tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Thứ hai, Phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, người trồng tiêu thực hiện sản xuất theo mô hình “Cánh đồng liên kết”. Sản xuất cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết của 4 nhà là một chủ trương lớn của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Hiện nay doanh nghiệp thu mua nguyên liệu Hồ tiêu Chư Sê cũng như nguyên liệu hồ tiêu khác cũng như nhau không có sự phân biệt nên chất lượng không được đồng đều. Sản phẩm hồ tiêu Chư Sê đã được chứng minh là có chất lượng vượt trội, kích thước, dung trọng đều lớn hơn tiêu được trồng ở những vùng khác rất thích hợp để sản xuất tiêu sọ, tiêu thành phẩm chất lượng cao. Vì vậy doanh nghiệp muốn sản xuất sản phẩm tiêu chất lượng cao cần phải phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, người trồng tiêu thực hiện sản xuất theo mô hình “Cánh đồng liên kết” để có thể thu mua được nguyên liệu tiêu chất lượng cao, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Thứ ba, Cải tiến công nghệ chế biến để tăng lượng sản phẩm tinh nhằm nâng cao giá trị.
Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh tiêu xuất khẩu tiêu chủ yếu ở dạng sơ chế hoặc thô nên giá trị không cao và không dán nhãn hiệu. Việc này đã làm giảm đi giá trị Hồ tiêu Việt Nam, Hồ tiêu Chư Sê và mất đi một khoản lợi nhuận lớn mà lẽ ra là của doanh nghiệp. Vậy để nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu Chư Sê và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp thì trước tiên các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm tinh dán nhãn mác Hồ tiêu Chư Sê đối với sản phẩm được chế biến từ tiêu nguyên liệu được trồng ở Chư Sê.
Thứ tư, Phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng hồ tiêu hiện nay đều là hội viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Vì vậy việc doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê để quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đem lại lợi ích cho doanh nghiệp về nhiều mặt, đầu tiêu là tăng giá trị sản phẩm, về lâu dài nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thị trường. Và điều quan trọng nhất là góp phần xây dựng thành công thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê trong tâm trí người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tính đến tháng 4/2013 Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam có 109 thành viên, trong đó 80 thành viên là các doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp xuất khẩu hồ tiêu. Con số này cho thấy rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Hồ tiêu cũng rất mong muốn xây dựng thành công thương hiệu tập thể của Hồ tiêu Việt Nam. Nếu có được sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên này thì công tác xây dựng và phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê sẽ thuận lợi và gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi.
Thứ năm, Doanh nghiệp nên đăng ký sử dụng nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê đối với sản phẩm tiêu được chế biến từ tiêu nguyên liệu tại Chư Sê.
Để xây dựng thành công thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thì điều vô cùng quan trọng là đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu được trồng ở Chư Sê phải dán nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê lên sản phẩm được chế biến từ tiêu nguyên liệu được trồng ở Chư Sê. Việc làm này cũng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong công tác xây dựng thương hiệu, hình ảnh của Công ty. Người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”. Có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu được chế biến từ tiêu nguyên liệu được trồng ở Chư Sê. Nếu tất cả các doanh nghiệp này có thể sử dụng nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê, phối hợp với Nhà nước, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê xây dựng, phát triển thương hiệu tập thể này thì mục tiêu đưa Hồ tiêu Việt Nam, Hồ tiêu Chư Sê lên vị trí số một thế giới cả về số lượng và chất lượng sẽ nhanh chóng được hoàn thành.