Giải pháp đối với Nhà nông

Một phần của tài liệu xây dựng thương hiệu hồ tiêu chư sê – gia lai (Trang 92)

Một là, Cải tiến thói quen canh tác từ truyền thống sang mô hình sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Từ trước đến nay, thế mạnh của nông sản Việt tại thị trường nước ngoài chủ yếu là sản lượng chứ không phải chất lượng và sản phẩm Hồ tiêu Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài thực trạng chung này. Nguyên nhân là nông dân của chúng ta vẫn canh tác theo kiểu truyền thống chỉ chú trọng đến sản lượng, sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm thu hoạch được sản lượng lớn. Tuy nhiên hệ quả để lại từ thói quen canh tác này là vô cùng lớn: sản phẩm thu về có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, không đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng; bên đó nó gây hậu quả cho chính người nông dân đó là việc lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật một thời gian dài dẫn đến cây hồ tiêu giảm tuổi thọ, đất canh tác bị thoái hóa gây ra nhiều loại bệnh rất khó chữa cho cây hồ tiêu. Bên cạnh đó nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm ở các thị trường trên thế giới ngày càng đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Vậy để đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người tiêu dùng và người nông dân trồng tiêu thì bắt buộc người trồng tiêu ngay từ bây giờ phải thay đổi thói quen canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Hai là, Không ngừng học hỏi, cải tiến kỹ thuật sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Khoa học kỹ thuật ở tất cả các ngành nghề trên thế giới đang phát triển không ngừng, mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới nhưng mức độ cơ giới, hiện đại hóa nông nghiệp lại ở mức thấp. Người nông dân chưa có những hiểu biết nhất định về thương mại sản phẩm mà mình làm ra. Để đem lại lợi ích trước hết là lợi ích cho chính bản thân người nông dân Việt Nam nói chung, người nông dân trồng tiêu nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của ngành Hồ tiêu Việt Nam thì đòi hỏi mỗi người nông dân trồng tiêu cần không ngừng học hỏi, cập nhật để trang bị cho mình những kiến thức để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Ba là, Đóng góp đầy đủ lệ phí đối với hội viên Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê để củng cố công tác xây dựng và phát triển thương hiệu.

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đang hoạt động rất hữu hiệu với vai trò làm cầu nối giữa 4 nhà: Nhà Nước – Nhà khoa học – Nhà Doanh nghiệp – Nhà nông đem lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân từ kỹ thuật cho đến chi phí sản xuất và cả khâu tiêu thụ. Tuy nhiên điều đáng buồn hiện nay chính là kinh phí để duy trì hoạt động của Hiệp hội quá thấp, các hội viên nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của ngân sách hiệp hội nên chưa tích cực trong việc đóng góp hội phí. Muốn xây dựng và phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thì đòi hỏi phải có một kế hoạch ngân sách từng năm phục vụ cho công tác này. Điều này sẽ không khó khăn nếu mỗi hội viên nông dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá thương hiệu từ đó tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của Hồ tiêu Chư Sê.

Bốn là, xây dựng niềm tự hào, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng hình ảnh cho thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê.

Qua khảo sát bảng câu hỏi đánh giá nhận thức của người nông dân trồng tiêu về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thì phần lớn người nông dân đều cảm thấy tự hào về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Vấn đề ở đây là đòi hỏi mỗi người sản xuất Hồ tiêu phải biến niềm tự hào thành hành động cụ thể đó là phải có ý thức, trách nhiệm trong việc quảng bá, bảo vệ uy tín thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê trước các đối tác như lái buôn, Công ty,.. bằng cách đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra, bảo vệ vạch mặt những kẻ cố tình làm trộn hàng làm mất uy tín hình ảnh sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê,….

Năm là, Đóng góp công sức, tiền của cho công tác xây dựng, phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thông qua đóng góp vào các dự án quảng bá thương hiệu của Hiệp Hội Hồ tiêu Chư Sê.

Qua khảo sát bảng câu hỏi đánh giá nhận thức của người nông dân trồng tiêu về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thì 76% người trồng tiêu đồng ý đóng góp công sức hoặc tiền bạc cho công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Vậy mỗi người trồng tiêu cần tích cực tham gia đóng góp, hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê trong các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại do Hiệp hội khởi xướng.

Sáu là, Tổ chức các nhóm, hội nông dân để học hỏi cùng nhau sản xuất và phát triển.

Các hộ nông dân trồng tiêu có diện tích trồng tiêu liền kề hoặc gần nhau thì nên thành lập một nhóm, hội để học hỏi lẫn nhau về các kỹ thuật trồng trọt, canh tác phòng trừ sâu bệnh hoặc tổ chức cùng mua phân, cùng bán sản phẩm. Đây là một việc làm cần thiết để đem lại lợi ích cho chính bản thân người trồng tiêu. Bởi cây tiêu là loại cây trồng rất nhạy cảm, khó chăm sóc, khi xuất hiện một trụ bị bệnh, nếu các trụ khác, vườn khác liền kề không có biện pháp ngăn chặn thì sẽ bị lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện nay người trồng tiêu phần lớn là mua phân riêng lẻ và mua thiếu đến mùa trả với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng từ 1 đến 2 lần. Nhưng nếu mua theo nhóm hội với số lượng nhiều có thể mua trực tiếp từ Công ty hoặc đăng ký qua Hiệp hội thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Và khâu tiêu thụ sản phẩm cũng vậy, các hộ nông dân hiện nay phần lớn bán riêng lẻ cho các lái buôn, thu đến đâu bán đến đấy, nếu các hộ nông dân có thể liên kết cùng nhau tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn có thể bán trực tiếp cho Công ty, không qua lái buôn được giá cao hơn, không gây lãng phí mà lại tránh được trường hợp lái buôn trộn hàng làm mất uy tín của Hồ tiêu Chư Sê.

Bảy là, Thường xuyên cập nhật thông tin về công nghệ sản xuất, giá cả thị trường.

Công nghệ được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng và giá cả thị trường hồ tiêu thì biến động từng ngày. Vì vậy mỗi người trồng tiêu cần thường xuyên cập nhật thông tin về công nghệ sản xuất, giá cả thị trường để lựa chọn cho gia đình mình công nghệ phù hợp nhất để tiết kiệm nhân lực, chi phí, để chủ động điều tiết giá cả thị trường lựa chọn thời điểm bán sản phẩm.

Tám là, Góp sức, phối hợp cùng Hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê.

Các hộ có vườn tiêu đẹp phát triển tốt, năng suất cao, sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ thì cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, truyền đạt hướng dẫn các hộ khác về cách trồng trọt, chăm sóc cây tiêu.

Một phần của tài liệu xây dựng thương hiệu hồ tiêu chư sê – gia lai (Trang 92)