Việt Nam có 708 đô thị với dân số 21,59 triệu người (chiếm 26,3% dân số toàn quốc). Cấp nước đô thị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của môi trường đô thị, được ưu tiên cao trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trong thời gian qua, cấp nước đô thị có tốc độ phát triển cao, đến nay có 61 trên tổng số 64 thành phố, thị xã là tỉnh lỵ đã có hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện có trên 240 nhà máy cấp nước đô thị với tổng công suất thiết kế là 4,59 triệu m3/ngày, công suất khai thác thực tế khoảng 3,49 triệu m3/ngày, trong đó, 66% khai thác nguồn nước mặt và 34% khai thác nguồn nước dưới đất. Nước dưới đất là nguồn chủ yếu để cấp nước ở nhiều địa phương; bên cạnh đó, một số địa phương khác thì nước mặt lại là nguồn cung cấp chủ yếu và nhiều địa phương sử dụng cả nguồn nước mặt và nước dưới đất để cấp nước đô thị.
Tổng công suất thiết kế của các nhà máy cấp nước đô thị có thể bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân sống ở đô thị. Tuy nhiên, do các hệ thống cấp nước đô thị vừa cấp nước sinh hoạt, vừa cấp nước cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh khác và do kết cấu hạ tầng hệ thống cấp nước cũ, lạc hậu và thiếu đồng bộ nên các hệ thống cấp nước đô thị chưa phát huy hết công suất (trung bình đạt khoảng 76% so với công suất thiết kế), cộng với tỷ lệ thất thoát nước lớn (trung bình khoảng 35%) nên trên thực tế, tỷ lệ dân số ở đô thị được cấp nước còn thấp, trung bình đạt khoảng 60% (ở các đô thị lớn trung bình đạt 75 - 85%) và lượng nước cấp thực tế hàng ngày trung bình đạt khoảng 80 -100 lít/người/ngày (ở các đô thị lớn đạt 110 - 130 lít/người/ngày).
Các đô thị nhỏ hiện đang có nhu cầu tương đối lớn về cấp nước. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng rất hạn chế, chỉ có khoảng 34% thị trấn có hệ thống cấp nước tập trung và cũng chỉ có khoảng 55% dân số được hưởng dịch vụ cấp nước với lượng nước cấp trung bình khoảng 60 - 80 lít/người/ngày [8].
Tốc độ đô thị hoá nhanh đòi hỏi bảo đảm cấp nước ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng, điều hoà, phân bổ lại nguồn nước, khai thác hài hoà, hợp lý giữa các loại nguồn nước, đặc biệt là nước dưới đất; tăng cường xã hội hoá trong cấp nước đô thị.