Phát triển thuỷ điện đã đem lại những hiệu ích kinh tế, xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong bảo đảm cân đối nhu cầu năng lượng của đất nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, lượng nước sử dụng cho ngành năng lượng điện lực chiếm tỷ trọng rất lớn so với các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, nước dùng trong thuỷ điện lại là dạng sử dụng nước không hoặc ít tiêu hao và trong trường hợp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành sử dụng nước trên phạm vi lưu vực thì nó lại còn tạo điều kiện cấp nước cho các ngành khác.
Hiện nay, cả nước đã có 10 nhà máy thuỷ điện lớn đang hoạt động với tổng công suất lắp máy là 4.080 MW, sản lượng điện hàng năm 17 tỷ KWh và đã lắp đặt, đưa vào vận hành hơn 400 trạm thủy điện vừa với tổng công suất khoảng 65MW, điện năng tương ứng khoảng 130-162 triệu KWh.
Tổng dung tích các hồ chứa của 10 nhà máy thuỷ điện lớn hiện có đạt trên 19 tỷ m3, nếu chỉ tính dung tích hữu ích, đạt 13,5 tỷ m3. Đây là nguồn dự trữ nước quan trọng để điều hoà, cấp nước cho các mục đích khác [8].
Tuy nhiên, vai trò quan trọng của các hồ chứa thuỷ điện chưa được đặt đúng tầm trong lĩnh vực tài nguyên nước, hệ thống các hồ chứa nước lớn đã bắt đầu làm thay đổi chế độ thuỷ văn, lòng dẫn ở vùng châu thổ và vùng cửa sông, chưa phát huy hết vai trò quan trọng hàng đầu trong việc điều hoà, phân phối nguồn nước giữa mùa lũ và mùa kiệt, chủ động phòng, chống lũ, phát triển vận tải thuỷ.